Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Tục thờ Thần tài có nguồn gốc từ Trung Quốc, và du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc và của cải. Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài nhưng theo T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì có ít nhất 2 câu chuyện được dân gian lưu truyền lại về nguồn gốc ngày vía Thần Tài.
Câu chuyện thứ nhất
Một câu chuyện theo truyền thuyết từ xưa được rất nhiều người biết đến. Đó là chuyện kể về vị Thần Tài do một hôm uống rượu say, trượt chân ngã xuống dưới trần gian. Do lúc ngã, ông bị đập đầu vào đá nên bị mất trí nhớ. Mọi người đi qua, thấy ông có bộ quần áo rất đẹp nên lột ra và mang ra chợ bán. Sau đó, ông phải sống nhờ vào việc đi xin ăn. Một hôm, ông được một người bán hàng mời vào quán ăn, từ lúc ông vào quán của người này, quán trở nên tấp nập. Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài không làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi.
Một người chủ khác thấy từ lúc ông bước vào quán kia thấy đông một cách lạ thường liền mời ông sang quán mình ăn. Lúc ông sang quán này, quán bên kia lại vắng vẻ. Do thương ông không có gì để mặc, người dân đã mua cho ông một bộ quần áo mới để ông có thể mặc che chắn cơ thể của mình. Kỳ lạ thay, bộ quần áo ấy lại chính là bộ quần áo trước kia của ông. Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, Thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10 nên từ đó mọi người lấy ngày này là ngày vía thần Tài. Bởi thế, mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó.
Câu chuyện thứ hai
Theo một điển tích của Trung Quốc, được ghi chép trong "Sưu thần ký", có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày có Như Nguyện, công việc làm ăn của Âu Minh rất phát đạt, chẳng mấy chốc trở nên vô cùng giàu có.
Tuy nhiên, vào một ngày trong dịp Tết, không biết vì lý do gì mà Như Nguyện bị Âu Minh đánh, do quá sợ hãi, cô gái ấy đã trốn vào đống rác rồi biến mất. Từ ngày cô biến mất, công việc làm ăn của ông chủ ngày càng đi xuống và trở nên nghèo nàn. Mọi người cho rằng Như Nguyện là thần Tài và lập bàn thờ cho cô. Cũng chính vì thế mà bàn thờ của Thần tài luôn đặt ở góc khuất và cũng theo đó mà trong ba ngày Tết mọi người cũng kiêng không quét nhà để tránh quét mất tài lộc của nhà mình đi.
Ngoài 2 sự tích về Thần Tài trên, còn nhiều tích khác có liên quan tới các nhận vật lịch sử như Phạm Lãi, Quan Công, Phật bà Quan Âm hay thần Thổ địa... Nhưng dù theo tích nào thì ngày thờ cúng Thần Tài đều thống nhất là vào mùng 10 Tết, ngày Thần bay về trời, với cầu mong cả năm sung túc tiền tài đầy nhà.
Ý nghĩa ngày Vía Thần Tài
Ngày vía Thần tài là một ngày lễ vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân, và mọi người buôn bán. Đây không chỉ là ngày mọi người thành tâm dâng lễ để cảm ơn Thần Tài mà còn là một ngày mà mọi người mong có thể đổi vía ông thần Tài để năm nay có thể làm ăn tốt hơn năm trước.
Đầu năm, người dân Việt ta luôn có những ngày lễ để đón các vị thần từ trên thiên giới về với hạ giới. Cụ thể, vào ngày mùng 2 tết, mọi người đón thần may mắn. Mùng 3 đón thần Tài. Mùng 4 đón các vị thần khác. Còn mùng 5 là ngày mà mọi người thường làm lễ hóa vàng. Tuy nhiên, với những người làm ăn, kinh doanh thì họ sẽ cúng thần Tài vào tất cả mọi ngày trong năm.
Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, mọi người đều mua vàng để cầu may mắn, cầu cho tiền tài của cải sẽ được thần tài phù hộ cho sinh sôi nảy nở trong suốt một năm mới kéo dài.
Vào ngày mùng 10 tháng Giêng, mọi người đều mua vàng để cầu may mắn.
Cũng bởi vì thế nên mới có trường hợp nhiều người tích tiền cả năm chỉ để mua vàng vào ngày này.
Tuy nhiên, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được coi là một hình thức tiết kiệm của người Việt Nam.
Trong tâm lý, thói quen của người Việt, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và "giữ tiền" an toàn nhất. Hầu như trong mỗi gia đình được coi là đủ điều kiện thì đều có một vài chỉ vàng "giắt lưng" đề phòng khi cần chi tiêu.
Bên cạnh đó, với nhiều người mua vàng đầu năm nhằm giúp tiết kiệm tránh lãng phí sau thời điểm ăn Tết chi tiêu "thả ga".
Năm 2019, ngày vía thần Tài vào ngày nào?
Ngày vía Thần Tài năm nay rơi vào ngày thứ Năm - 14/2/2019 Dương lịch (tức ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch). Vào ngày này, mọi người, đặc biệt là các gia đình kinh doanh, buôn bán thường sắm đồ về cúng Thần Tài với một mong ước năm nay có thể gặp nhiều may mắn, công việc hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc rủng rỉnh cả năm.