Thưởng Tết, lương tháng 13 là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Điều 104, Bộ Luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tiền thưởng Tết là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Còn lương tháng 13 là tiền thưởng cuối năm do các doanh nghiệp tự quy định trong quy chế thưởng, hợp đồng lao động hoặc theo kết quả sản xuất kinh doanh…
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Thuế Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung 2012, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, thưởng Tết, lương tháng 13 là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cũng tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 được sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập năm 2012 và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công. Trong đó, các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, khi nhận thưởng từ công ty bằng hiện vật cho cá nhân thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Người lao động vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền lương nếu tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công đến mức phải nộp thuế.
Mặc dù tiền thưởng Tết là thu nhập chịu thuế, nhưng có một số khoản thưởng nhất định không phải chịu thuế, bao gồm:
- Tiền thưởng kèm theo danh hiệu được Nhà nước phong tặng, như Chiến sĩ thi đua, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
- Tiền thưởng từ các giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế được Chính phủ Việt Nam thừa nhận.
- Tiền thưởng trong các trường hợp như cải tiến kỹ thuật, phát minh và khai báo hành vi vi phạm pháp luật.
Các khoản này được xem là phần thưởng mang tính chất vinh danh và không liên quan đến việc làm hay hợp đồng lao động.
Tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Tại Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH nêu rõ, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như:
– Tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến;
– Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
– Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Thêm vào đó, Công văn 560/LĐTBXH-BHXH ngày 6.2.2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động không bao gồm tiền lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm.
Như vậy, tiền thưởng của người lao động làm việc tại doanh nghiệp (bao gồm tiền thưởng lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm) không làm căn cứ để tính đóng BHXH.
Người lao động có được ứng lương trước Tết hay không?
Bên cạnh đó, quy định về việc ứng lương trước Tết cũng là thắc mắc của nhiều người lao động.
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được ứng trước lương trong một số trường hợp như tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc, để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên, nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ. Như vậy, người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động ứng trước tiền lương để nghỉ Tết mà không bị tính lãi.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 97, Điều 101 và khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, mức tiền tạm ứng tiền lương sẽ theo từng trường hợp tạm ứng. Cụ thể, tối đa 1 tháng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên; khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm.
Dựa trên khối lượng công việc đã làm trong tháng đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán; 50% tiền lương khi người lao động bị tạm đình chỉ.
Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận thì mức tiền tạm ứng sẽ được thực hiện dựa trên ý chí của người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật không quy định cụ thể mức tiền lương tạm ứng tối đa.