Cụ thể, tại phiên giao dịch 22/5, NHNN đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của NHNN đã tăng gấp hơn 9 lần và lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm.
Đây là lần thứ hai NHNN tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng trở lại đây. Trước đó, cơ quan này cũng đã tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ 4% lên 4,25%/năm trong phiên 23/4, là bước "dò thử" lần thứ nhất sau các can thiệp để hạ nhiệt thị trường ngoại tệ và song song, NHNN chính thức tổ chức được phiên đấu thầu vàng đầu tiên trên thị trường (kể từ sau 2013).
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cùng với tăng lãi suất OMO, NHNN đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm, tương đương tăng 0,1%.
Giới phân tích cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn trong thời gian tới, nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo đó, sau khi hút về lượng lớn thanh khoản dư thừa, NHNN tiếp tục thực hiện các đợt phát hành tín phiếu mới nhằm đưa ra thông điệp cho thị trường rằng: Nhà điều hành sẵn sàng đưa ra một mức suất đủ hấp dẫn để các ngân hàng dư thừa thanh khoản tìm đến kênh tín phiếu thay vì cho vay lãi suất thấp trên liên ngân hàng, qua đó khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khó giảm sâu.
Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ là 4,5%/năm.
Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường 1, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.
"Việc thu hẹp chênh lệch lãi suất VND - USD, kết hợp với nếu có dòng ngoại tệ chảy vào tốt hơn sẽ giúp giảm áp lực bán ngoại tệ can thiệp của NHNN ", một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng kinh doanh ngoại tệ tại ngân hàng nhận định.
Trong tháng trước, khi NHNN tăng loạt lãi suất điều hành trên thị trường mở, đã có một số quan điểm cho rằng đây là động thái nhà điều hành "bắn tín hiệu" về khả năng nâng lãi suất điều hành và có thể can thiệp trực tiếp đến các công cụ lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, thị trường trong 1 tháng qua vẫn chứng kiến mặt bằng lãi suất huy động dành cho tổ chức và dân cư được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng. Bản thân nhà điều hành nỗ lực can thiệp để ổn định tỷ giá với các công cụ khác như bơm - hút ròng thanh khoản, đấu giá vàng miếng và đặc biệt bán ngoại tệ - tăng cung giao ngay ra thị trường.
Theo nhiều nguồn tin, đến nay, NHNN đã bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối lên tới 2,5 tỷ USD - một lượng ngoại tệ khá cao so với tính toán cách đây chưa lâu của WiGroup là ước 500 triệu USD. Đổi lại, kỳ vọng sớm có những thành quả nhất định với tỷ giá.