Ý nghĩa của việc cúng rằm Trung Thu
Việc tổ chức lễ cúng rằm Trung Thu có từ xa xưa nên mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng với chúng ta từ đời sống cho đến tín ngưỡng tâm linh. Cụ thể:
- Giúp các gia đình thể hiện lòng thành kính, biết ơn ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Cúng rằm tháng 8 cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần, sum họp để cùng nhau trò chuyện, tâm tình, kể cho nhau nghe những câu chuyện bình dị về cuộc sống hằng ngày.
- Rằm tháng 8 cũng là dịp để người lớn thể hiện sự quan tâm đến trẻ nhỏ trong nhà bởi ngày này còn được gọi là ngày Tết thiếu nhi. Thông thường vào ngày này, người lớn trong gia đình sẽ mua tặng các bạn nhỏ những món quà như đèn lồng, mặt nạ... để chúng có thể được vui chơi với bạn bè...
- Tổ chức lễ cúng rằm tháng 8 còn là để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn đời nay, là dịp để răn dạy cháu con biết ơn cội nguồn, tổ tiên...
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cúng rằm Trung Thu vào lúc nào?
Thông thường, vào ngày rằm Trung Thu, sau khi tiến hành lễ cúng thì các gia đình sẽ có truyền thống cùng nhau ngồi hàn huyên, tâm sự, trông trăng và phá cỗ. Chính vì thế, họ thường tổ chức cúng rằm Trung Thu đúng ngày vào ngày 15.
Về thời gian cúng, nếu là cúng lễ buổi chiều 15 Âm thì thường lễ cúng sẽ xong trước 6 - 7 giờ tối. Còn nếu cúng buối sáng 15 Âm thì cúng trước 9 - 10 giờ sáng.
Tuy nhiên, có nhiều gia đình vì bận rộn hoặc vướng bận bởi một lý do nào đó thì có thể cúng từ ngày 14 tháng 8 Âm lịch cũng được.
Vị trí cúng rằm cũng không cần cầu kì lựa chọn như ngày cúng rằm tháng Giêng và ngày cúng rằm tháng 7. Theo thông lệ, cúng rằm hàng tháng sẽ cúng tại khu vực trước bàn thờ tổ tiên và bàn thờ thần linh. Mâm cúng rằm và các vật cúng được đặt ở dưới bàn thờ. Văn khấn cúng rằm cũng cần được chuẩn bị trước để khi cúng sẽ không làm mất lòng bề trên.