Người trong câu chuyện là anh T.M.P. (30 tuổi, quê Kiên Giang, tạm trú huyện Hóc Môn). CSGT trong bài viết là Đại úy T.T.N., cán bộ Đội CSGT Bàn Cờ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh.
Anh P. cho biết, chiều 18/7, anh nhận được tin nhắn từ nhà xe P.T. đem theo giấy CMND đến đường Lê Hồng Phong, quận 5 để nhận hàng hoá. A P. trên đường đến bãi xe ở quận 5 nhận hàng thì bị cảnh sát chặn lại ở đường Võ Thị Sáu (quận 3). Anh P bị lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng vì lỗi ra đường không có lý do chính đáng và tạm giữ bằng lái xe.
“Tôi có trình bày là đang đi nhận thực phẩm từ quê gởi lên và đưa tin nhắn nhà xe PT cho CSGT kiểm tra, hy vọng tạo điều kiện để đến nhà xe để nhận hàng. Tuy nhiên, CSGT vẫn lập biên bản xử phạt”, anh P nói.
Đội CSGT Bàn Cờ lập biên bản thanh niên đi nhận thùng thực phẩm do người nhà ở quê gửi lên. Ảnh: FB
Sau khi bị xử phạt, anh P. đến nhà xe PT nhận được hàng hóa rồi trở về nhà. Sau đó lên Facebook phản ánh sự việc.
“Sau khi sự việc đăng tải, CSGT Bàn Cờ đã gọi điện đến cho tôi để xử lý sự việc, hẹn chiều nay (tức 21/7) đến trụ sở để giải quyết”, anh P. cho hay.
Trước sự việc trên, lãnh đạo Đội CSGT Bàn Cờ cho biết hiện tại rất khó để xác định chính xác trường hợp nào ra đường đúng, trường hợp nào sai mà phải đi sâu vào từng tình huống cụ thể.
"Chỉ thị 16 không có từng chi tiết cho mình áp dụng. Cho nên không thể nói đi lấy lương thực cần thiết hay không cần thiết. Lương thực tất nhiên là cần thiết rồi, quá cần thiết. Nhưng, quan trọng cái cách ra đường làm sao. Cũng có thể đặt giao hàng, tùy vào từng trường hợp. Nếu bắt buộc đích thân người đó ra nhận thì sẽ xem xét", lãnh đạo đội nói.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc CSGT Bàn Cờ xử phạt hành vi vi phạm hành chính với anh P. là có cơ sở, nhưng cần xem xét thấu đáo về sự việc.
Luật sư Trương Văn Tuấn phân tích, trường hợp người dân ra ngoài để nhận lương thực, hàng hóa tại các bến xe, sân bay… mà người thân của họ ở các tỉnh, thành phố khác gửi đến sẽ không thuộc một trong các trường hợp mà người dân được quyền ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.
Do đó, trường hợp này thì cơ quan chức năng có thể xem xét, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng thiết nghĩ cơ quan chức năng cũng nên xem xét thấu đáo từng trường hợp cụ thể, qua đó nhắc nhở người dân hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi lẽ, dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhiều người không thể đi làm và không có thu nhập, bên cạnh đó thực phẩm, hàng hóa ở thành phố có thời điểm khan kiếm và giá cao. Do đó, người dân buộc phải nhờ người thân ở các tỉnh, thành gửi thực phẩm, hàng hóa lên để sử dụng.
“Mong rằng, khi gặp những tình huống này, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, quyết định đúng pháp luật, thấu tình đạt lý, tránh trường hợp xử phạt một cách cứng nhắc, máy móc như trường hợp Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân một phường tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xử phạt người dân đi mua bánh mì rất phản cảm và gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua.”, luật sư Trương Văn Tuấn nhấn mạnh.