Nguy cơ khan hiếm nước mắm
Trong những ngày qua, tại Thừa Thiên Huế, nhiều người dân đổ xô đến các trung tâm thương mại, siêu thị như Co.opMart, BigC để tìm mua nước mắm có nguồn gốc từ các tỉnh khu vực phía Nam. Trên kệ hàng, các loại nước mắm có thương hiệu như Chin Su, Nam Ngư, Đệ Nhị, Phan Thiết, Phú Quốc… đã bán sạch, chỉ còn sót lại một vài chai của cơ sở ở các tỉnh khu vực miền Trung chế biến, song số lượng không nhiều.
Các thương hiệu nước mắm có xuất xứ từ khu vực phí Nam cháy hàng tại Huế |
Chị Nguyễn Thu Hương ngụ tại Kiệt 130 Trần Phú cho biết: "Nghe thông tin nước biển nhiễm độc và cá chết hàng loạt, nên tôi mua cả chục chai nước mắm về dự trữ đề phòng tăng giá hay không có hàng".
Bà Huỳnh Thị Phương Loan Phó ngành hàng thực phẩm công nghệ, Siêu thị Co.opMart Huếcho biết: “Lâu nay mỗi ngày DN bán ra chưa tới 1.000 lít nước mắm các loại, vậy mà chỉ trong hai ngày cuối tháng 4, đầu tháng năm, số lượng nước mắm tiêu thụ tại siêu thị chiếm trên 20.000 lít, chưa kể số lượng khách vẫn còn đến mua rất đông nhưng không còn hàng. Để đáp ứng nhu cầu của khách, trong ngày 27/4, DN nhanh chóng đặt 1 xe tải 16 tấn nước mắm từ các tỉnh phía Nam, đến ngày 29/4 sẽ có mặt tại Huế để cung ứng cho khách hàng. Mặc dù lượng khách đến mua hàng đông nhưng DN vẫn thực hiện chủ trương bán hàng theo giá niêm yết và theo giá cả thị trường chứ không tăng giá bán”.
Trong khi đó, những ngày vừa qua, số lượng nước mắm bán ra tại Siêu thị Big C Huế tăng từ 300-400% so với ngày thường và hiện toàn bộ sản phẩm được dự trữ để cung ứng trong vòng 1 tháng của DN đã hết sạch, nhưng số lượng khách vẫn cứ nườm nượp đổ xô đi mua nước mắm dự trữ.
“Sau khi số lượng khách đến siêu thị mua nước mắm tăng đột biến và không đủ hàng để bán, hiện DN đặt thêm 3.000 chai từ các nhà cung cấp ở các tỉnh Nha Trang, Phú Quốc, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh để phục vụ khách, đồng thời tiếp tục đặt hàng dự trữ một lượng lớn đáp ứng nhu cầu của khách”, Giám đốc Siêu thị Big C Huế Võ Thị Thu Thủy cho biết.
Tại các chợ, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng biến động bất thường khi nhà nhà, người người đổ xô đi mua các loại nước mắm về dự trữ. Các loại nước mắm, ruốc, mắm cá cơm, cá rò… có xuất xứ từ các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trở nên ế ẩm vì người dân lo sợ nên không mua. “Sau khi nghe tin đồn một số cơ sở trữ cá chết về chế biến nước mắm và làm mắm, người dân lo sợ ăn phải thực phẩm nhiễm độc nên tức tốc đi mua khiến sản phẩm này trở nên khan hiếm. Hiện, số lượng nước mắm tại quầy đã hết sạch, đang đợi nhập hàng mới về để cung ứng cho khách”, chị Nguyễn Thị Thu kinh doanh ở chợ Đông Ba nói.
Muối bán chạy như tôm tươi
Lo sợ nước biển “nhiễm độc”, từ tối 27/4 đến nay, nhiều người dân trên địa bàn thành phố và các huyện, thị đổ xô đến các đại lý mua muối dự trữ. Trưa 28/4, tại quầy bán muối I ốt, muối hầm, muối hạt ở đường Lê Duẩn, hàng chục người dân đang chen chúc, chờ đợi để được mua muối. Đang khệ nệ bưng bao muối to chất lên xe, chị Thảo, người dân phường Hương Chữ (Hương Trà) kể: “Tui bán ở chợ Bến Ngự, nghe mọi người râm ran chuyện mua muối trữ kẻo lo sợ chất lượng nước biển ảnh hưởng từ vụ cá chết nên cứ mua trước cho chắc”.
Lo ngại muối khan hiếm nhiều người dân tại Huế đã đi mua muối tích trữ |
Tại quầy muối, nhiều người dân sốt ruột “sợ hết” nên tự mình vào vác. Những bao muối hạt 50kg, những túi muối I ốt lớn, nhỏ nhanh chóng được chất lên xe chở về nhà. Vừa trút muối hạt từng bao lớn ra túi lớn, nhỏ, bà Cúc, chủ quầy bán muối kể: “Từ hôm qua đến nay không chỉ tiểu thương tại các chợ mà người dân cũng ồ ạt đến mua muối. Đông đến mức, hôm trước còn một kho muối đầy mà chừ chỉ còn chưa tới 1/2. Thậm chí, 10 giờ tối qua, khi chúng tôi đã đóng quầy, vẫn còn nhiều người đến đập cửa đòi mua”.
Bà Cúc cho biết thêm, dù “sốt” muối nhưng đại lý vẫn bán với giá cũ, 1.700 - 2.000 đồng/kg muối hạt cũng như 1 túi muối i ốt nên có rất nhiều người tìm đến mua. “Người dân lo sợ nên mới đồn nhau để đi mua, chứ tại các vùng sản xuất muối, chúng tôi nhập về ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, lượng muối của các cơ sở sản xuất vẫn còn rất nhiều do giá bán ra trước đây thấp. Với tình hình như thế này, trong thời gian tới, người kinh doanh muối sẽ rất khó khăn vì người dân e ngại muối mới, muối cũ”. Tại chợ Đông Ba, theo ghi nhận, cũng có khá nhiều người dân tìm mua muối, dù số lượng ít hơn. Giá muối hạt to cũng được các tiểu thương “đẩy” lên từ 3.000 lên 4- 5.000 đồng/kg. Muối i ốt đóng túi cũng tăng từ 1.000-2.000 đồng/bì.
Trước tình trạng người dân đổ xô mua tích trữ muối và nước mắm, Sở Công thương Thừa Thiên Huế đã có chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung vào các siêu thị, chợ truyền thống về việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhãn mác và hạn sử dụng sản phẩm để tránh tình trạng người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời chỉ đạo các siêu thị, trung tâm phân phối lớn nhanh chóng nhập hàng về cung ứng cho người dân. Đối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, không nên hoang mang giao động và đổ xô đi mua, dự trữ các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản vì trên thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu uy tín đã được các cơ quan kiểm định chất lượng và sẽ không xuất hiện tình trạng khan hàng nâng giá bán