Thưởng Tết Nguyên đán 2025 khó cao
Thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng xong kế hoạch trả lương, thưởng Tết cho người lao động.
Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) công bố mức thưởng Tết 1 tháng lương với người lao động làm đủ 1 năm. Mỗi người lao động làm hơn 1 năm được tăng 5%, mức cao nhất là 200% tương đương 2 tháng lương.
Hay Công ty May Đồng Phú Cường (Đồng Nai) cũng vừa công bố kế hoạch thưởng Tết Ất Tỵ 2025 với mức thưởng bình quân 12 triệu đồng/người.
Ghi nhận tại Bắc Ninh và Bắc Giang theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hai địa phương này, đến nay tỉnh chưa có thông tin về việc thưởng Tết. Đến tháng 12/2024, các doanh nghiệp mới báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2025.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Tuy nhiên năm 2024, Bắc Ninh nằm trong nhóm các địa phương có mức thưởng Tết cao của cả nước, trong đó người cao nhất là 390 triệu đồng. Mức thưởng bình quân trong các doanh nghiệp 6,71 triệu đồng/người, cao nhất vẫn nằm trong khối doanh nghiệp FDI là 390 triệu đồng (cao hơn năm 2023 là 10 triệu đồng).
Là địa phương có nhiều điểm tương đồng với Bắc Ninh về phát triển công nghiệp, Tết Nguyên đán năm 2024, Bắc Giang có 311 doanh nghiệp thưởng Tết cho hơn 178.000 lao động, với mức bình quân hơn 6,6 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất hơn 146 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/người.
Còn tại Hà Nội, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đối với khối công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng tết Nguyên đán bình quân 3,1 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất 20 triệu đồng/người, thấp nhất 500.000 đồng/người; khối công ty cổ phần có góp vốn chi phối của nhà nước, bình quân đạt 3,3 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất 29,8 triệu đồng/người và thấp nhất 500.000 đồng/người; khối doanh nghiệp dân doanh, bình quân 3,5 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng tết cao nhất là 90 triệu đồng/người và thấp nhất 500.000 đồng/người.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội – cho biết, năm 2024 dù kinh tế khởi sắc, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, song vẫn còn khó khăn, do đó dự báo thưởng Tết Nguyên đán 2025 khó cao. Tuy nhiên, qua nắm bắt các doanh nghiệp đều cho biết cố gắng duy trì thưởng Tết để giữ chân người lao động.
Qua báo cáo gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An. Mức thưởng bình quân 6,85 triệu đồng/người.
Bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động
Để bảo đảm quyền lợi người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lên phương án tính toán, cân đối lo thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho đoàn viên, người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày.
Ngoài ra, cần giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.
Kịp thời phát hiện và có giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.
Cùng với đó, cần tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết.
Các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết.
Có các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương, doanh nghiệp...