Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch.”
Mỗi năm người Việt chi 31.000 tỷ đồng mua thuốc lá.
Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch. Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 với nhiều hoạt động míttinh, diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người/năm vào năm 2030.
Giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới, phổ biến dưới mức 20.000 đồng/bao, đây là một trong những nguyên nhân người hút thuốc lá còn cao và giảm chậm.
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá, Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 31.000 tỉ đồng cho việc mua thuốc lá.
Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.
Cùng với thuốc lá thông thường, gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên đáng kể. Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử cũng là những người hút thuốc lá. Đa số người dùng thuốc lá điện tử đều coi đây là công cụ để bỏ thuốc lá hoặc giảm hút thuốc. Tuy vậy, thực tế cho thấy, trên tất cả các thương hiệu của thuốc lá điện tử, các thành phần chính trong chất lỏng đều là nicotine, propylene glycol hoặc glycerol và hương liệu. "Hiện nay chưa có bằng chứng quốc tế chứng minh thuốc lá điện tử an toàn", WHO khuyến cáo.