|
Vất vả xách từng xô, chậu nước lên tầng cao để sử dụng. |
Ông Nguyễn Thành Chung - thành viên Ban liên lạc lâm thời cư dân tòa nhà HUD3 Linh Đàm cho biết, từ khi chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/12/2015 thì đây là lần thứ 2 chung cư này bị mất nước kéo dài. Cụ thể, từ khoảng 18 giờ ngày 24/7, toàn bộ hơn 300 căn hộ bị cắt nước sinh hoạt đột ngột mà không nhận được bất kỳ thông báo nào. Việc cắt nước kéo dài nhưng không hề được báo trước khiến cư dân sống tại đây gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt.
Cùng chịu cảnh mất nước, ông Vương Huy Trì - cư dân phòng 952, tòa nhà HUD3 than phiền, cơm ăn xong bát đĩa không có nước để rửa, quần áo phải mang đi giặt nhờ, nhà có cháu nhỏ phải sang nhờ tòa chung cư bên cạnh tắm giặt, ăn uống. Tương tự hoàn cảnh gia đình ông Trì, rất nhiều hộ dân tại tòa nhà này cho biết cuộc sống của họ bị đảo lộn khi phải thức đêm thức hôm trực chờ từng xô nước, nhà có trẻ con phải đi sơ tán…
|
Mỗi ngày Ban quản lý phải mua hơn 100m3 khối nước với giá đắt để phục vụ cư dân. |
Trước tình hình mất nước chưa rõ nguyên nhân, gây nhiều khó khăn cho cư dân, ông Nguyễn Thành Chung cho biết, Ban Quản lý tòa nhà và Ban liên lạc cư dân đã báo lên Công ty cổ phần Dịch vụ và quản lý đô thị HUD3S (đơn vị quản lý dịch vụ tòa nhà). Sau đó, vào tối 25/7, HUD3S đã thống nhất mua nước bằng xe téc cấp vào bể chứa dưới chân tòa nhà để bơm lên cho cư dân sử dụng.
“Nước mua về chỉ đủ bơm lên các căn hộ dùng một lúc vào buổi tối và sáng sớm, ai không trực hứng được thì phải mang xô chậu xuống sân chung cư xách lên tầng để dùng. Tình cảnh này chưa biết khi nào chấm dứt, chúng tôi cũng chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào bằng văn bản về nguyên nhân mất nước” - ông Chung bày tỏ.
|
Cư dân xếp hàng chờ lấy nước từ xe téc. |
Trong khi đó, theo quan sát của PV, nước xe téc do Ban quản lý mua về bơm vào bể có màu vàng đục, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy khó có thể dùng cho ăn uống, sinh hoạt bình thường. Anh Trần Duy Khánh, cư dân tòa nhà cũng xác nhận, hầu hết trẻ nhỏ dùng nước này tắm rửa đều bị mẩn ngứa.
|
Nước mua từ xe téc bơm vào bể ngầm tại chung cư HUD3 có màu vàng đục. |
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tú - Trưởng Ban quản lý toà nhà cho biết, nước sạch tại chung cư HUD3 là nước mua của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Vinaconex (VIWACO) cấp đến đồng hồ tổng, còn Công ty Dịch vụ Nhà ở và Khu đô thị HUDS là đơn vị cung cấp dịch vụ nước đến từng hộ dân. Chiều 25/7, Ban quản lý tòa nhà đã làm việc với các đơn vị này và được đại diện Công ty VIWACO giải thích do áp lực nước các van vào khu vực này đều sụt giảm, Công ty VIWACO đã hứa tối 25/7 sẽ điều tiết lại áp lực nước để cấp trở lại cho cư dân. Nhưng đến thời điểm như đã hứa thì hoàn toàn vẫn không có nước cấp cho tòa chung cư HUD3.
|
Người dân phải sử dụng tiết kiệm từng ca nước. |
Về vấn đề này, khi trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc VIWACO lại khẳng định, nguồn nước tại HUD3 Linh Đàm VIWACO chỉ cung cấp một phần nhỏ còn lại là HUDS tự sản xuất bán cho cư dân. Do đó trách nhiệm giải quyết khó khăn về nước cho cư dân tại tòa nhà chủ yếu thuộc về HUDS.
Về phía đơn vị quản lý dịch vụ tại tòa chung cư HUD3, ông Lương Hữu Công - Giám đốc HUD3S cho biết, HUDS có tự sản xuất nước sạch nhưng chỉ là phần nhỏ chủ yếu cung cấp cho các chung cư của HUD tại bán đảo Linh Đàm. Chung cư HUD3 Linh Đàm nằm ở khu đô thị phía Tây Nam Linh Đàm thì hầu hết phải mua của VIWACO.
|
Huy động mọi vật dụng để chứa nước. |
Có lẽ do “quả bóng” trách nhiệm vẫn đang bị đẩy qua đẩy lại nên đến sáng nay (27/7), lượng nước cấp vào bể ngầm tại tòa nhà vẫn rất yếu không đủ để bơm lên cho người dân sử dụng. Ông Nguyễn Anh Tú cho biết thêm, tình trạng này chúng tôi vẫn phải tiếp tục mua nước từ xe téc. Đến hôm nay là ngày thứ 3, mỗi ngày chúng tôi phải mua hơn 100m3 nước với giá 100.000 đồng/m3 để cấp vào bể chứa để bà con dùng tạm. “Đây là điều bất khả kháng, tuy nhiên chúng tôi mong các đơn vị cung cấp nước sạch có trách nhiệm với cư dân, nhanh chóng khắc phục sự cố cung cấp nước trở lại, tránh gây bức xúc kéo dài cho người dân” - ông Tú kiến nghị.