Thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/6/2024 của UBND tỉnh Hoà Bình về việc tổ chức các Chương trình Phiên chợ vùng cao, Hội chợ, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của tỉnh Hòa Bình năm 2024; Công văn số 1932/UBND-KTTH ngày 22/10/2024 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/6.202/ của UBND tỉnh;
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch phối hợp với UBND huyện Cao Phong tổ chức Hội chợ Thương mại - Du lịch và Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 8 năm 2024.
Với quy mô khoảng trên 100 gian hàng, bên cạnh các gian hàng chủ đề về cam Cao Phong, còn có các gian hàng trưng bày, quảng bá, bán các sản phẩm địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX thương mại trong và ngoài tỉnh - gắn với quảng bá du lịch huyện Cao Phong. Trong khuôn khổ Lễ hội và Hội chợ, có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, trò chơi dân gian… mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Nhắc đến cam Cao Phong là người ta sẽ nhớ ngay đến mảnh đất Hòa Bình trù phú. Mảnh đất này không biết từ bao giờ đã trở thành nơi sở hữu loại đặc sản ngon ngọt, mọng nước nức tiếng
Được tổ chức hằng năm, Lễ hội Cam Cao Phong nhằm quảng bá thương hiệu nông sản đặc trưng và nổi bật nhất của huyện Cao Phong (Hòa Bình) là cam Cao Phong - sản phẩm nông nghiệp đầu tiên được cấp Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể).
Với tiềm năng phát triển cây có múi, trong đó chủ lực là cây cam, những năm qua, huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ người dân phát triển. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014; năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5". Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Từ năm 2013 đến nay, có những niên vụ, sản lượng cam của huyện Cao Phong đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trở nên giàu có sau mỗi vụ cam.
Huyện đã và đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, huyện Cao Phong tập trung thực hiện tái canh cây cam, chú trọng duy trì vùng trồng cam chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu trồng cam kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đa dạng sản phẩm từ cam.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân chung tay giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi ảnh hưởng đến thương hiệu của địa phương. Với chất lượng đã được khẳng định trong nhiều năm, cam Cao Phong có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và du khách.
Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 8 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm nay sẽ diễn ra tại từ ngày 6/12 đến hết ngày 10/12/2024. Khai mạc vào 19 giờ 30 ngày 06/12/2024, tại sân vận động huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Được biết, trước đó, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 đã thu hút trên 12.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm (bình quân mỗi ngày có từ 3.000– 5.000 lượt khách) và giúp tiêu thụ trên 500 tấn cam, quýt các loại. |