Trước đó, năm 2015, dư luận từng xôn xao khi một nông dân ở Trung Quốc phát hiện ra Cát lợn nặng 0,6kg và được trả giá tới 21 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, dư luận cũng nhiều lần 'lên cơn sốt hầm hập' vì thông tin phát hiện Cát lợn ở Hà Nội, Hà Nam. Nhiều người nghe tin còn nườm nượp kéo đến xem.
Sau 20 năm làm nghề được "Trời" cho lộc
Thông tin mới nhất từ Vietnamnet cho biết, cách đây khoảng hơn một tuần, vợ chồng chị Hoa (Vĩnh Phúc) làm thịt một con lợn nái để đem ra chợ phiên của xã bán vào sáng sớm. Lúc mổ ra, cả hai vợ chồng chị hết sức ngạc nhiên khi phát hiện trong khoang bụng lợn nái một vật thể lạ rất cứng, hình cầu dài hơn 20cm.
Sau đó, chị Hoa vì tò mò đã kiểm tra vật lạ này, thì phát hiện nó có hình dáng như một “quả trứng vàng” và qua tìm hiểu chị nghi đó chính là Cát lợn. Cân thử thì vật thể này nặng khoảng 0,7kg.
Chị Hoa còn cho biết, “quả trứng vàng” có mùi thơm như mùi thuốc bắc, và để càng lâu thì hương thơm càng tỏa ra nhiều hơn chứ không bị thối hay bị phân hủy.
Vật thể nghi cát lợn giá tiền tỷ tại Vĩnh Phúc.(Ảnh: Vietnamnet) |
Vợ chồng chị Hoa đã làm nghề giết mổ lợn hơn 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy vật thể lạ như vậy.
Chủ nhân 'Quả trứng vàng' cũng nói, con lợn nái vợ chồng chị tìm thấy 'Quả trứng vàng' này hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện ốm đau gì, được mua về từ một trang trại gần nhà, trang trại này chỉ ăn cám ngô và bã bia chứ không ăn cám công nghiệp.
Thông tin từ chị Hoa, đã có công ty gọi điện ngỏ ý muốn đem đi xét nghiệm xem có phải Cát lợn không, nếu đúng thì họ sẽ thu mua nhưng gia đình chị chưa đồng ý vì công ty trả giá khá rẻ.
Gia đình chị đang bảo quản 'Quả trứng vàng' trong tủ kính. Gia đình chị đã tìm hiểu trên mạng và nhận định đây có thể là Cát lợn, một vị thuốc cực quý và hiếm, đang có giá bán siêu đắt đỏ trên thị trường.
Có thật quý hiếm?
Tuy nhiên, trả lời trên Zing về những trường hợp này, Thạc sĩ, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung phủ định thông tin này. Lương y Trung cho biết, trong đông y không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn. Do đó, thông tin cát lợn là vị thuốc quý có giá trị hàng tỷ đồng chỉ là tin đồn nhảm.
Thông tin từ lương y Vũ Quốc Trung, Đông y chỉ sử dụng sỏi mật của trâu và bò để làm thuốc trị đột quỵ ở người, có tên là ngưu hoàng - một vị thuốc quý, đắt tiền. Tuy nhiên, ở lợn chưa sử dụng loại sỏi này để làm thuốc.
Trong khi đó, Trí thức trẻ cũng dẫn lời PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết chưa có công trình nghiên cứu về vật thể này. PGS Thịnh cũng khuyến cáo người dân không nên thổi phồng sự việc.
Theo ông, đây có thể chỉ là sỏi của lợn. 'Nó chỉ là chất vô cơ tồn đọng trong dạ dày, lâu ngày to dần lên. Tất cả mọi người chỉ đồn thổi từ người này đến tai người khác. Bản thân tôi cũng chưa từng nghe 'cát lợn' có giá hàng tỷ đồng bao giờ' - PGS Thịnh nói.
Có thể tồn tại Cát lợn... (?) Thông tin từ Tuổi trẻ Thủ đô cho hay, Cát lợn hay còn gọi là Trư Sa, Trư Bảo, là một loại kết tụ vật chất trong hệ tiêu hóa của con lợn như trong dạ dày, trong ruột, trong mật. Do sự kết tụ lâu ngày trong những điều kiện bất lợi nên loại vật chất này giống như một loại ngọc quý. Trư Sa được tạo thành nếu thời gian đủ dài sẽ có mùi thơm thảo mộc nhẹ nhàng, đặc biệt khi để trong không khí. Đông Y cổ xưa đã sử dụng Trư Sa để hỗ trợ điều trị các bệnh như an thần, động kinh, hốt hoảng lo âu, trị mất ngủ, hôn mê, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm và nhiều tác dụng khác. Nhiều người nghĩ rằng không hề có Trư sa, mà chỉ là tin đồn nhảm. Nhìn bề ngoài Trư Sa có một lớp lông bảo vệ, mọi người lại cho rằng đó chỉ là đám lông do heo cắn nhau và nuốt phải rồi không tiêu hóa được hoặc chỉ là một khối u gì đó... Đây chỉ là những suy diễn cá nhân. Thứ nhất nếu là lông từ bên ngoài vào thì chúng không thể còn nguyên vẹn mà phải bị nhai nát trước khi nuốt (đó là phản xạ tự nhiên). Khi nhai nát sẽ để lại dấu nhai trên lông (ít nhất phải thấy một cọng bị như vậy) và không có chuyện lông mọc xuôi chiều từ trong ra ngoài. Nhìn kỹ mọi người sẽ thấy lông Trư Sa mọc “rất chuẩn”, các đầu nhọn đều hướng ra ngoài; Thứ hai nếu là khối u thì chúng phải có mối liên kết mạch máu để chúng nhận dinh dưỡng và phát triển. Đằng này không hề có, Trư Sa là một khối độc lập, chỉ nhận sự thẩm thấu dịch một cách chọn lọc qua niêm mạc. Như vậy cả hai khả năng “trái chiều” trên là không hợp lý. Tuy nhiên Trư Sa rất hiếm gặp để mà làm thuốc, kể cả thời xưa, do thời gian những con heo nuôi thường ngắn, ít khi có Trư Sa hoặc có thì bị non do không đủ tuổi. Cho nên việc sử dụng Trư Sa rất ít người biết, chỉ có những thầy thuốc gia truyền (kiểu bí truyền) mới biết cách sử dụng trong những bài thuốc riêng của họ. Thông tin về Trư Sa rất ít, hiện nay các tài liệu hiện đại đều không có ghi chép về Trư Sa, cũng như chưa có nghiên cứu nào trên diện rộng về nó. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Trư sa không có giá trị. Đông y có những loại được liệu rất quý hiếm và cực đắt tiền nhưng cũng không hề có tài liệu công bố, ví dụ như Ngải đen, Kỳ nam… Theo dân gian Trung quốc, Trư Sa là dược liệu cực kì quý hiếm, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm, an thần, trị mất ngủ, hôn mê, động kinh ... Những con heo có Trư Sa thường ít lông, ăn ít, thân nhiệt cao, thân mình gầy gò, hai mắt có lúc đỏ, liên tục kêu réo suốt ngày đêm, rất ít ngủ. |