Con bạch tuộc không quá lớn đã bị đánh chết sau khi tấn công chị T. ẢNH: NGƯỜI DÂN CUNG CẤP |
Khoảng 3 giờ ngày 7.7, vợ chồng chị T. đánh bắt hải sản bằng lừ ở khu vực biển Hòn Chảo, giáp ranh giữa vùng biển H.Phú Lộc và TP.Đà Nẵng. Khi vợ chồng chị T. kéo lừ thì một con bạch tuộc bất ngờ tấn công, cắn vào chân chị T. khiến chị bị ngất. Chồng chị T. nhanh chóng chạy thuyền vào bờ đón xe đưa vợ đi Đà Nẵng cấp cứu. Tuy nhiên, vào đến bệnh viện thì chị T. đã tử vong, để lại gia cảnh nghèo khó với 2 người con thơ. Hiện thi thể chị T. đã được đưa về quê để gia đình lo hậu sự.
Trả lời Thanh Niên, GS-TS Ngô Đắc Chứng, chuyên gia sinh học - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế, cho biết ở Việt Nam bạch tuộc tấn công gây chết người rất hiếm khi xảy ra. Cơ quan chức trách cần nhanh chóng kiểm nghiệm, xác định và công bố cho người dân biết thông tin để phòng tránh. GS-TS Chứng nhận định, với những thông tin ban đầu nhiều khả năng con bạch tuộc tấn công chị T. là giống bạch tuộc đốm xanh lớn (tên khoa học Hapalochlaena lunulata). Giống này có độc tính mạnh ở tuyến nước bọt có tên là tetrodotoxin - tương đương chất độc ở cá nóc. Chất độc sẽ theo đường máu gây tê liệt hệ thần kinh, sau đó làm trụy tim nên nguy cơ tử vong rất cao.
“Bạch tuộc là động vật thân mềm và có nhiều loài, có loài độc, loài không độc nên ngư dân chủ quan. Theo tôi, khi thấy bạch tuộc có màu xanh thì cần tránh xa”, GS-TS Chứng khuyên.
Còn lão ngư Nguyễn Xuân Đàn (ngụ thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc), người thường đánh bắt hải sản ở vùng biển mà chị T. gặp nạn, cho biết mùa này là mùa bạch tuộc xuất hiện nhiều, xa bờ cũng có mà gần bờ cũng có. Bản thân ông Đàn từng nhiều lần bắt gặp bạch tuộc và bị chúng cắn, nhưng đó là những con còn nhỏ, chỉ bằng ngón chân cái nên vùng cơ thể bị cắn chỉ bị đau rát.