Nhà thuốc quảng cáo “giá cả hợp lý”.Ảnh: NA |
Loạn giá thuốc, người tiêu dùng chịu thiệt
Cơ quan chức năng quản lý giá thuốc không theo giá cố định mà quản lý theo giá trần và giá sàn. Giá trần nghĩa là giá cao nhất được phép bán. Giá sàn là giá thấp nhất được phép bán. Mỗi sản phẩm đều quy định giá trần và giá sàn, cửa hàng thuốc muốn bán giá bao nhiêu thì phải niêm yết. Trong khoảng đó, bán giá bao nhiêu thì bán, cứ không bán quá giá trần và quá giá sàn là được, kể cả nhà thuốc cấp nào đi nữa. Đó là lý do có việc đến 2 nhà thuốc khác nhau, mua cùng 1 hộp thuốc nhưng giá thì không giống nhau.
“Mỗi nhà thuốc bán giá khác nhau vì đường đi của thuốc khác nhau. Mà mua thuốc có ai mặc cả đâu. Cũng không có cụ thể là qua bao nhiêu cấp thì thuốc mới đến tay người tiêu dùng vì mỗi cửa hàng thuốc có đường đi riêng. Cty sản xuất đến đơn vị phân phối, người kinh doanh, nhà thuốc… rồi mới đến tay người tiêu dùng. Qua nhiều khâu thì giá càng cao, quá ít khâu thì giá thấp. Và điều đó không thể quản lý được” - anh Tuấn Anh, nhân viên một Cty phân phối thuốc cho biết.
Năm ngoái, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đưa ra câu chuyện đau lòng: “Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200 USD, độ khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng”.
Trong khi đó, cũng tại phiên thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi), đại biểu Thảo luận về quản lý giá thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc, độc quyền nâng giá thuốc, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa với gần 2.000 Cty phân phối. Lý do, qua quá nhiều trung gian thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao.
Các hiệu thuốc bán lẻ PV đi khảo sát giá cả và việc thực hiện quy định niêm yết giá. Ảnh: N.A |
Niêm yết, khống chế giá thuốc - giảm gánh nặng cho người bệnh
Nghị định 54 dành riêng Chương VIII để quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc. Theo đó, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức thặng số bán lẻ của dược phẩm trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dao động từ 2-15%. Điều này cũng sẽ góp phần giảm tình trạng “chặt chém” tại các quầy thuốc bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Mặc dù quy định như vậy nhưng có ý kiến cho rằng, để Nghị định 54 thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống thì các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát. Thực tế bắt buộc niêm yết giá thuốc đã có nhưng không phải đại lý nào cũng thực hiện.
Nên thu hồi giấy phép nếu bán không đúng giá niêm yết
Trao đổi với Lao Động chiều 23.5, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa - cho biết: Để thực hành giá thuốc tốt thì phải có sự công khai giá thuốc, giá nhập khẩu, xuất khẩu, giá bán buôn, bán lẻ. Thực tế hiện nay chỉ duy nhất ngành y tế, mặt hàng khám chữa bệnh, thuốc men là không có ngã giá, cửa hàng thuốc, bệnh viện họ bán giá bao nhiêu thì người bệnh phải mua bấy nhiêu chứ hầu như không có chuyện mặc cả và bản thân người bệnh cũng không thể biết được giá thuốc ra sao để mặc cả. Theo tôi phải có quy định về giá thuốc rất minh bạch, giá nhập vào bao nhiêu, giá bán ra bao nhiêu thì cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát gắt gao, để kiểm soát được để giá thuốc không bị đội lên quá cao, lợi nhuận ở trong ngưỡng chấp nhận được, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.
Sau khi Bộ Y tế - Tài chính - Công thương ban hành được thông tư hướng dẫn về thực hành thuốc như trên, bắt buộc ở nơi kinh doanh dược phẩm phải có niêm yết giá thuốc cụ thể. Nếu nơi nào không thực hiện niêm yết đầy đủ, không chấp hành quy định thì phải có chế tài, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu vi phạm nhiều lần thì có thể phải rút giấy phép hành nghề.
Quy định về bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua vào ghi trên hóa đơn và thặng số bán lẻ tính bằng mức thặng số bán lẻ nhân với giá mua vào. Cụ thể: - Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) - Giá mua vào. - Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng tính đến trước thời điểm mua thuốc với giá mua vào theo quy định như sau: - Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau: a) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%; b) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 (một nghìn) đồng đến 5.000 (năm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%; c) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 (năm nghìn) đồng đến 100.000 (một trăm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%; d) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 (một trăm nghìn) đồng đến 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%; đ) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%. |