Hiện Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội chưa ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Ảnh: Hồng Vân (ảnh minh họa). |
Khai tử doanh nghiệp?
Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP. Hà Nội ban hành ngày 3-8 yêu cầu xử lý cưỡng chế, tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn thành phố sau một tháng Chỉ chị ban hành. Thế có nghĩa là, chỉ còn 2 ngày nữa, việc này phải được xử lý.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31-8, theo thông tin của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trên địa bàn TP. Hà Nội mới tháo dỡ được 25/190 bảng quảng cáo đứng độc lập vi phạm và 73/149 hộp đèn quảng cáo trên dải phân cách.
Thực tế việc xử lý hàng trăm biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn Hà Nội không đơn giản bởi theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam có 3 nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm quảng cáo còn phổ biến ở Hà Nội. Đó là việc thành phố chậm trễ xây dựng và ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn; Tình trạng gây khó khăn, sách nhiễu, tiêu cực trong lĩnh vực quảng cáo ở Hà Nội khá phổ biến; Thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo của thành phố chưa được cải cách một cách mạnh mẽ, đột phá.
Vấn đề này đã được Hiệp hội quảng cáo Việt Nam đề cập đến trong công văn gửi Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội (sau buổi gặp gỡ báo chí ngày 10-8 của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội). Thế nhưng, do chưa nhận được hồi âm nên ngày 31-8, Hiệp hội đã phải tổ chức gặp gỡ các hội viên để cùng bày tỏ quan điểm và tiếp tục kiến nghị thành phố về việc xử lý biển quảng cáo.
Tại cuộc gặp gỡ này, ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã dẫn lại tình cảnh “trớ trêu” trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội khi Luật Quảng cáo có hiệu lực từ tháng 1-2013, nhưng đến nay Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội chưa xong… quy hoạch quảng cáo!
Kể từ năm 2014 đến nay Sở tạm dừng hồ sơ xin cấp phép quảng cáo, từ cuối năm 2015 Sở cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi toàn bộ thỏa thuận cho phép doanh nghiệp lắp đặt biển quảng cáo ở dải phân cách để quy hoạch lại. Chính vì thế, có thể nói, các biển, bảng quảng cáo ở Hà Nội hiện nay đều liệt vào tình trạng vi phạm.
Đại diện công ty Mặt trời Vàng lấy ví dụ, biển quảng cáo của họ tại bãi đỗ xe Ngọc Khánh bị rơi vào vùng vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế, những vị trí này trước đó được cấp phép tồn tại nhiều năm, nhưng do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp mới (từ 2014) nên các biển quảng cáo này bị liệt vào danh sách vi phạm vì doanh nghiệp không thể trình giấy phép.
“Nếu thực hiện đúng luật thì suốt hai năm qua, Hà Nội không có hoạt động quảng cáo nào, khác nào khai tử các doanh nghiệp quảng cáo”, đại diện Công ty Mặt trời Vàng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, bà Trần Minh Thúy, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thăng Long cho hay, quyết định này đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản, nhân sự các công ty này lâm cảnh thất nghiệp.
Không chỉ khiến doanh nghiệp phá sản, một số doanh nghiệp còn cho rằng, nếu xóa sổ toàn bộ biển quảng cáo vi phạm trong một tháng, nhưng sau đó lại cho phép xây dựng biển quảng cáo theo quy hoạch ở những vị trí ấy có phải quá lãng phí?
Cần phân loại vi phạm
Ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam khẳng định: "Hiệp hội rất ủng hộ chủ trương của Hà Nội về việc lập lại trật tự kỷ cương quảng cáo ngoài trời, làm cho mỹ quan của thành phố đẹp hơn. Chính vì vậy, Hiệp hội yêu cầu các hội viên là các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện”.
Lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng thừa nhận có tình trạng làm bừa, hoạt động không phép nhưng lại chiếm vị trí quảng cáo đẹp, địa điểm cấm quảng cáo. Thậm chí, có tình trạng biển quảng cáo chỉ được dựng lên trong 1 đêm. Do vậy, Hiệp hội nhất trí phương án kiên quyết xử lý toàn bộ biển quảng cáo làm vô tổ chức, không phép.
Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội làm rõ vi phạm, mức độ vi phạm, vì sao vi phạm. “Chúng tôi sẽ gửi công văn đề xuất với UBND TP. Hà Nội phân loại các loại hình vi phạm để có cách xử lý khác nhau”, ông Hùng nói.
Đại diện các doanh nghiệp quảng cáo và Hiệp hội cũng mong muốn TP. Hà Nội sớm ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép quảng cáo… để tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo diễn ra sôi nổi, đúng quy định. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quảng cáo ở Hà Nội còn phổ biến là do chưa có quy hoạch.
Một đề xuất khác được Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nêu lên là, cần khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội vừa là cơ quan lập quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cũng chính là đơn vị ra văn bản tạm dừng nhận hồ sơ cấp phép quảng cáo từ tháng 7-2014.
Về phía các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp hội viên thống kê lại các biển, bảng quảng cáo của chính doanh nghiệp mình xem thuộc vi phạm nào để có cơ sở giải quyết.