Tham dự buổi lễ, về phía trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Qúy.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội dâng hương.
Dâng hương và tham dự Lễ hội Gò Đống Đa đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Hà Nội trong những ngày đầu xuân năm mới. Ngay từ sáng sớm, các đoàn tế lễ địa phương, nhân dân sống quanh khu vực lễ hội và những vùng phụ cận đã kéo về đông đúc để thực hiện lễ dâng hương và lễ rước kiệu. Đoàn rước khởi hành theo trống lệnh đi từ đình Khương Thượng đến gò Đống Đa, đoạn đường dài khoảng hơn 1km.
Đánh trống khai hội gò Đống Đa xuân kỷ Hợi.
Tái hiện hình ảnh vua Quang Trung tại sân khấu Lễ kỷ niệm.
Ngay khi lễ hội chính thức khai mạc vào lúc 8h30, các đoàn đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hoa và dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung. Ngoài phần nghi lễ, màn trống hội, múa rồng sẽ là trích đoạn sử thi tái hiện hình ảnh ngày mùng 5 Tết cách đây đúng 230 năm, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc bất ngờ tiến công vào thành Thăng Long, đánh tan hơn 29 vạn quân Mãn Thanh. Kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại yên bình.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mùa Xuân rực rỡ chiến công năm Kỷ Dậu (1789) đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta, tiêu biểu cho sức sống phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.
Chỉ thị số 16 năm 1989 của Trung ương đã chỉ rõ: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta… Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22.000m² bao gồm các hạng mục: Cổng, Gò Đống Đa, Nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cùng các công trình phụ trợ.
“Đặc biệt, năm nay, trong dịp lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019, lại càng có ý nghĩa hơn, di tích Gò Đống Đa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Thủ tướng Chính phủ trao cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô ngày hôm nay. Đó là sự ghi nhận những giá trị to lớn của khu di tích, trường tồn cùng với năm tháng, thời gian”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phất biểu.
Ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ hy vọng việc được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong dịp Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đầu xuân Kỷ Hợi sẽ là một khởi đầu mới cho sự phát triển mới cho đất nước, Thủ đô và cho di tích lịch sử Gò Đống Đa.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2019 là năm “bứt phá” của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm Thành phố tiếp tục chọn chủ đề công tác: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Thành phố tiếp tục nỗ lực cố gắng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, ngày càng xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Hội gò Đống Đa đã có từ rất lâu đời, đến năm 1962, Nhà nước công nhận gò Đống Đa là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, các hoạt động văn hóa có thêm điều kiện phát triển bài bản.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-1989), Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập Công viên Văn hóa Đống Đa.
Từ đó đến nay, các công trình ở gò Đống Đa lần lượt được trùng tu, tôn tạo, xây dựng kiên cố, khang trang và các hoạt động văn hóa, thể thao, tâm linh phát triển mạnh mẽ hơn…
Hàng vạn người dân địa phương và du khách đến dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất từ nhiều ngày trước: “Được sự đồng ý chủ trương của thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao cùng với Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã hoàn thiện hồ sơ và đề xuất Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Hội đồng di sản Quốc gia xem xét trình Thủ tướng ra quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt gò Đống Đa. Đến thời điểm này Quận Đống Đa đã được nhận bằng di tích Gò Đống Đa là di sản Quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và tổ chức các hoạt động khác như chỉnh trang, tôn tạo công viên Đống Đa”.
Lễ hội Gò Đống Đa kéo sẽ kéo dài đến 21h ngày 9/2 với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật phong phú khác như: múa tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, cờ người - cờ tướng, các trò chơi dân gian...
Người dân tìm hiểu lịch sử tại lễ hội gò Đống Đa xuân Kỷ Hợi 2019.
Nhân dịp này thành phố tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, liên hoan, văn nghệ, thi đấu, triển lãm, thể dục thể thao tại khu vực Công viên Văn hóa Đống Đa và nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Gò Đống Đa có tổng diện tích 22.120,8m2, gồm khu tưởng niệm và khu vực gò Đống Đa. Khu tưởng niệm bao gồm hệ thống phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày… Nổi bật là tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cao 14,65m, làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, nặng 200 tấn, ốp đá hoa cương và phun vẩy rồng.