Sau câu chuyện một vị du khách nước ngoài bị người bán hàng rong ép mua túi bánh rán bỏ đi với giá 700.000 đồng được lan truyền trên mạng xã hội, những câu chuyện về tình trạng chặt chém khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài tiếp tục là chủ đề nóng trong thời gian gần đây.
Để làm rõ thực hư chuyện chặt chém trên phố cổ Hà Nội - nơi có hàng trăm khách du lịch đến đây mỗi ngày, phóng viên của Trí Thức Trẻ đã nhập vai thành một khách du lịch nước ngoài. Đoạn video mà phóng viên ghi lại được đã cho thấy được tình trạng khách du lịch bị những người bán hàng bản địa “cướp tiền” trắng trợn từ ví của họ ra sao.
Những người đánh giày luôn tìm cách 'hét giá' với những du khách quốc tế đến thăm phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh họa
Giả làm khách tây, vị phóng viên này đã bị một người đánh giày tiếp cận và đưa ra mức giá đánh giày là 50.000 đồng (tương đương 2USD) và khi khách hàng mặc cả xuống còn 30.000 đồng, anh ta đã đồng ý. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc đánh giày, chàng trai trẻ trong video còn tiếp tục sửa đôi giày tốt của khách hàng với việc khâu và dán keo. Mặc vị “giả khách Tây” liên tục nói “Not need, not need, not need. It’s OK!” (Không cần đâu! Không cần đâu! Không cần đâu! Đôi giày vẫn tốt mà) nhưng anh đánh giày vẫn cứ thực hiện công việc của mình.
Ngay khi phóng viên giở ví ra để trả tiền cho người đánh giày, anh thanh niên tự động rút ở ví của khách hàng ra 3 tờ 100.000 đồng. Thấy khách hàng phản ứng và nói rằng chi phí thỏa thuận ban đầu là 30.000 đồng, anh ta giơ lọ keo không có nhãn mác ra và nói nó vô cùng tốt nên xin thêm 1 tờ nữa: “One more, one more”.
Không chỉ một lần, người đánh giày còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần đó là lọ keo rất tốt để xin thêm tiền và định lấy cả tờ 200.000 đồng trong ví của vị khách Tây trá hình. Cuối cùng, vị khách kiên quyết nên anh ta phải nói chữa “It’s cheap for super glue) (Đây là giá rẻ vì lọ keo rất tốt đấy!).
Hình ảnh người đánh giày tự ý sửa giày của anh phóng viên giả làm khách Tây. (Ảnh chụp màn hình từ video)
Có lẽ, hành vi này đã được người đánh giày thực hiện nhiều lần đối với các vị khách Tây khác khi du lịch ở Hà Nội. Bởi thế, một lời nói, hành động đều rất trơn tru, mau lẹ.
Tình trạng đánh giày và tự ý sửa giày với “giá cắt cổ” trên những con phố có nhiều khách du lịch nước ngoài ở Hà Nội đã được phản ánh từ lâu. Thậm chí, du khách không có nhu cầu nhưng họ vẫn lao tới “giật” giày để đánh và sửa.
Khi xem đoạn video này, nhiều người Việt đã tỏ ra bất bình. Một tài khoản Cheshire cũng chia sẻ câu chuyện của mình với nạn chặt chém: “Đừng nói Tây, đợt mình ra Hà Nội công tác cũng bị chặt chém tiền taxi. Khi ấy vừa nhận phòng là mình có việc phải đi ngay, nên không hỏi lễ tân đường thế nào, vừa ra là nhảy tọt lên taxi, đưa địa chỉ cho bác tài. Xe đi chắc phải cầu 45 phút, vòng tới lui, tốn hết gần 400.000 đồng, lúc về thì nhờ bạn chở, đường lộ hẳn hoi có phải hẻm gì đâu, đi có 20 phút đổ lại, mình ngớ người luôn”.
Nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã một đi không trở lại khi bị chặt chém như vậy. Ảnh: Minh họa.
Có thể nói, taxi, người bán hàng rong, người đánh giày… với những chiêu trò “cướp tiền” từ ví khách du lịch vẫn tiếp tục làm hình ảnh du lịch Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Chắc chắn có nhiều vị khách “Một đi không trở lại” sau những tình huống như vậy.
Vậy, cần có biết pháp mạnh tay nào cho việc chặt chém giá cả phổ biến và nhức nhối như hiện nay?