Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn cùng dự.
|
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. |
Hà Nội có bước phát triển vượt bậc về đô thị
Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình và đánh giá sự xây dựng báo cáo rất công phu, đầy đủ trên các lĩnh vực, khẳng định bước tiến vững chắc toàn diện của Thủ đô; khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 15 và mang tính thời đại. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã phát triển vượt bậc mọi mặt: Kinh tế khởi sắc; văn hóa được gìn giữ, phát triển; an sinh xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo.
TS Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh tính đô thị sau sáp nhập. Tuy tính đô thị trong vùng lõi thực hiện rất khó, nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã có phát triển vượt bậc với nhiều chương trình thiết thực như tổ chức không gian đi bộ; chương trình trồng 1 triệu cây xanh; 98% đô thị Hà Nội chiếu sáng ban đêm; xây dựng hơn 230km đường trong 10 năm; tình trạng mất nước mất điện, ngập lụt đã được cải thiện đáng kể. Vì thế, Hà Nội được đánh giá là TP năng động đứng top 10 thế giới.
TS Trần Danh Lợi cho rằng, trong cuộc cách mạng 4.0, phải khẳng định vị trí của Hà Nội trong ASEAN bằng cách ưu tiên chính sách xã hội hóa, quản lý nhà nước; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phải vào cuộc để là cầu nối giữa chính quyền TP và DN. Về giao thông đô thị ở các TP cần được mở rộng và quan tâm hơn nữa đến quy hoạch giao thông theo hướng “bàn cờ”.
TS Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu góp ý tại hội nghị. |
Hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách cho Hà Nội
TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội nhấn mạnh, việc mở rộng địa giới hành chính xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của Hà Nội và khẳng định sự chủ động và nỗ lực của Hà Nội giải quyết các khó khăn, thách thức.
“Trước khi thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính, người ta lo ngại nhất khi Hà Nội “ôm” 80% đất nông nghiệp, hơn 4 triệu dân nông thôn. Vì thế thành tựu xây dựng nông thôn mới rất đặc biệt, có sự đột phá trong thành thị nông thôn, đưa ra các khái niệm mới như ngoại thành, nông nghiệp đô thị, diện mạo đô thị chuyển biến rõ nét, tích cực” - TS Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Khẳng định Hà Nội đã có chuyển động rất lớn về chùm đô thị, xây dựng vành đai xanh theo hướng chùm đô thị này, TS Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị cần bổ sung mô hình cấu trúc đô thị Thủ đô Hà Nội. Chuyển từ đô thị đơn cực sang chùm đô thị, đô thị nén.
Các đại biểu kiến nghị hoàn thiện đồng bộ về cơ chế chính sách cho Hà Nội, kiến nghị với T.Ư đẩy mạnh công tác cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Nhấn mạnh kinh tế trí thức ở Thủ đô là nguồn động lực lớn, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng kiến nghị phải lấy kinh tế trí thức làm chủ đạo để phát triển Thủ đô hơn nữa trong thời gian tới….
Trân trọng tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định sẽ bổ sung vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội.
“Hà Nội cũng đã điều tra xã hội học với nhiều tầng lớp nhân dân, từ nông thôn, thành thị đến đồng bào dân tộc để có đánh giá khách quan. Quan trọng nhất là để đánh giá chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân. Việc đánh giá khách quan, khoa học có ý nghĩa không chỉ cho Hà Nội mà còn là kinh nghiệm để T.Ư có quyết sách với các địa phương khác…”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, Thành ủy sẽ tiếp tục lấy ý kiến qua các kênh Mặt trận và các đoàn thể chính trị.