Thời gian gần đây, dư luận đang dậy sóng với những vụ ấu dâm trẻ em gây chấn động trong nước, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhưng sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết. Báo chí liên tục đưa tin, hình ảnh về các vụ ấu dâm, những vụ việc mà nạn nhân vẫn bị ám ảnh cho đến khi trưởng thành, những vụ việc mà nạn nhân không thể tìm được cách giải quyết nào tốt hơn bằng việc từ bỏ cuộc sống.
Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), trên thế giới, cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, tại Việt Nam có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại.
Không phải chỉ có bé gái mới bị xâm hại tình dục, mà những bé trai cũng là nạn nhân thường trực của những tên biến thái. Vậy phải làm gì để những đứa trẻ có thể lớn lên một cách an toàn, phải làm gì để ngăn chặn những kẻ đó?
Đó là câu hỏi mà nhiều cha mẹ đau đầu, xã hội đau đầu, pháp luật đau đầu, bởi chỉ khi vụ việc xảy ra thì mọi người mới vỡ lẽ. Dù vậy, vẫn không nên nhắc lại quá nhiều trên mặt báo hình ảnh của các em, vì chúng đã quá đáng thương.
Nếu có thể, hãy đăng những bài mà những kẻ đồi bại kia đã chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Như vậy mới khiến những kẻ phạm tội và có ý định phạm tội cảm thấy được sự răn đe, xấu hổ cả cuộc đời, và biết đâu sẽ khiến những kẻ như vậy giảm đi một phần nào trong xã hội.
Việc hàng ngày báo chí liên tục đưa những tin tức về các vụ ấu dâm, quấy rối tình dục nhằm mục đích cảnh tỉnh cha mẹ hãy quan tâm đến các con của mình hơn, dùng tiếng nói của truyền thông để lên án những hành vi đồi bại, mất nhân tính của những kẻ tội phạm. Tuy nhiên, nhắc lại những vụ ấu dâm gây tổn thương cho những đứa trẻ này sẽ khiến vết thương của chúng thêm sâu, việc ngày nào cũng thấy hình ảnh của mình trên những trang báo sẽ khiến nỗi đau của các em lớn hơn và ám ảnh sẽ hiện hữu đến suốt cuộc đời.
Nỗi ám ảnh chỉ có những đứa trẻ từng trải qua mới hiểu được, bất kỳ những hành động vì mục đích nào như vậy cũng khiến các em cảm thấy nỗi đau ngày càng lớn và những hi vọng mong manh còn sót lại có thể bị dập tắt.
Có những vết hằn không bao giờ biến mất. (Ảnh: Internet) |
Hơn thế, nhiều vụ ấu dâm kinh hoàng mà những kẻ tồi tệ đã gây ra chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân, còn kẻ phạm tội dường như vẫn còn nhởn nhơ, hoặc nếu có bị bắt thì cũng phải chịu một mức án rất nhẹ. Phải chăng việc đưa những tin tức như vậy cũng đang ngầm cổ vũ cho những kẻ đáng khinh?
Vì chúng nghĩ rằng, những người khác làm vậy cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì quá lâu trước pháp luật, nên nhiều câu chuyện đau lòng vẫn có thể tiếp diễn mà chúng ta không lường trước được.
Vụ bé gái ở Hà Nội bị xâm hại nhiều lần mới đây khiến dư luận bức xúc, nạn nhân sợ hãi, nhưng kẻ phạm tội dường như vẫn chưa phải chịu bất cứ hình phạt nào dù cho đã 2 tháng trôi qua.
Dư luận Hàn Quốc từng đau đớn khi cô bé Na Young 8 tuổi bị xâm hại. (Ảnh: Internet) |
Dư luận Hàn Quốc từng đau đớn vì câu chuyện cô bé Na Young (8 tuổi) là một nạn nhân trong vụ ấu dâm chấn động quốc gia này vào năm 2008. Tuy nhiên, vụ việc đã gây nên bức xúc trong dư luận khi kẻ phạm tội chỉ bị kết án 12 năm tù giam.
Và 4 năm sau vụ án chấn động đó, vào năm 2012, dư luận xứ sở Kim Chi lại được phen bàng hoàng với vụ việc ấu dâm rùng rợn bé gái 7 tuổi tại Naju, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc 356km về phía nam.
Vụ việc đã khiến tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Lee Myung-bak phải lên tiếng xin lỗi: "Thay mặt chính phủ, tôi xin lỗi mọi người. Tôi chia sẻ nỗi đau sâu sắc với người dân và gia đình nạn nhân vụ cưỡng bức".
Những kẻ tấn công trẻ em, bạo hành và giở trò đồi bại, cứ liên tục diễn ra trên khắp thế giới, tuy nhiên, chỉ đến lúc những kẻ này gây ra tội lỗi với hàng trăm đứa trẻ thì sự việc mới được phanh phui.
30 tuổi, gã đàn ông người Anh Richard Huckle đã gây ra hơn 200 vụ ấu dâm trên toàn châu Á. Vụ việc đã gây rúng động dư luận tại Anh và Malaysia trong năm 2016. Nhiều người cho rằng, con số nạn nhân của hắn không chỉ dừng lại ở con số 200 em.
Vậy pháp luật ở đâu khi hơn 200 trẻ em trên toàn Châu Á từng là con mồi của gã điên này, và phải qua hơn 200 đứa trẻ chịu tổn thương thì cảnh sát mới bắt được hắn, chỉ một kẻ bị bắt và bị kết án, nhưng là hàng trăm đứa trẻ khác cũng đang sống trong chính nhà tù của xã hội, trong nhà tù mà các em tự tạo ra.
Những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần và thể xác quá lớn thường khó để đứng dậy, khó để chấp nhận hiện tại và luôn sống trong sự ám ảnh thường trực, ngay cả trong mỗi giấc ngủ, mỗi đêm, và trong mỗi giấc mơ, lũ trẻ vẫn luôn nhớ về khoảnh khắc đau đớn đó. Vậy tòa án nào sẽ giúp những đứa trẻ như vậy thoát khỏi nỗi đau đớn về thể xác và sự dày vò về tinh thần?
Ám ảnh sẽ không bao giờ mất đi. (Ảnh: Internet) |
Có những trẻ em bị ấu dâm nhiều lần nhưng vì không tìm được bằng chứng, tên tội phạm vẫn lọt lưới và cười nhạo trên nỗi đau của đứa trẻ. Có trường hợp, chính cha mẹ lại là người phủ nhận việc con cái mình là nạn nhân của trò đồi bại vì họ tin tưởng người lớn hơn là lời của những đứa con, để con mình phải chịu đau đớn suốt thời gian dài đến khi trưởng thành vẫn còn là nạn nhân.
Chính niềm tin không có giữa bố mẹ và con cái cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều nỗi đau không thể xóa bỏ, cô Tina Rogers (năm nay đã 41 tuổi), vào năm cô 11 tuổi đã từng bị chính cậu của mình - Colin Dunn giở trò đồi bại, cô đã 2 lần nói cho bố mẹ mình về hành động của ông cậu nhưng họ gạt phắt, còn la mắng cô, bắt cô phải xin lỗi.
Năm 21 tuổi có tiếp tục tố cáo hành vi của ông ta nhưng tiếp tục thất bại và chỉ đến 10 năm sau, thì câu chuyện của cô mới được chú ý. Dù vậy, tên tội phạm đã thực hiện hành vi đồi bại gần cả 20 năm lên người cháu gái mình nhưng cha mẹ cô vẫn không hề tin vào cô, và dù hắn có bị bắt thì lúc này hắn cũng đã 63 tuổi và chỉ phải nhận mức phạt 16 năm tù giam với 7 tội danh cưỡng hiếp và 2 tội danh xâm hại tình dục trẻ em.
Tina lại phải chịu mức án ám ảnh cả cuộc đời, nhưng đau đớn hơn đối với một cô bé 11 tuổi lúc đó, chính là cha mẹ đã không tin vào điều mà cô nói.
Cán cân công lý vẫn có thể nghiêng ngả vì không có bằng chứng để trị tội kẻ đồi bại. (Ảnh: Internet) |
Mọi nỗi đau về thể xác có thể mất đi, những nỗi đau về tâm hồn, về tinh thần thì luôn hiện hữu bên cạnh lũ trẻ. Người đời và xã hội có thể xót xa, có thể lên án, có thể bức xúc ngay lúc đó. Nhưng họ không thể sống thay cuộc sống của những đứa trẻ, không thể đau thay nỗi đau mà chúng phải gánh chịu. Họ có thể bức xúc vì tên giết người, tên tội phạm ấu dâm chỉ bị xử mấy năm tù hoặc chỉ bị xử án treo, nhưng họ không bao giờ biết rằng những đứa trẻ là nạn nhân lại chịu án treo cả cuộc đời. Án treo không phải do tòa án hay pháp luật xử lí, mà là án treo do chính nỗi ám ảnh mà những kẻ tội phạm gây ra. Nỗi đau sẽ chồng chất nỗi đau, gia đình của các em lúc nào cũng sẽ thấy dằn vặt vì không thể bảo vệ được những đứa con của mình.
(Ảnh: Internet) |
Cứ thế tiếp diễn mỗi ngày, một kẻ phạm tội lại gây ra cái "chết" đau đớn cho rất nhiều những người khác, Vậy nhắc chi cho nỗi đau của các em đã không lành lặn lại đau thêm ngàn lần. Sao cứ phải đưa các em lên "đoạn đầu đài", chỉ cần một lần thôi là đủ với các em rồi. Nếu những người thực thi pháp luật có thể nhanh chóng khiến những kẻ tội phạm ghê tởm như vậy vào vòng lao lý vậy thì chính là đang giúp những đứa trẻ và gia đình của các em bình yên một chút. Và các bậc phụ huynh nếu quan tâm đến con mình hơn, thường xuyên ở bên cạnh chúng, dạy chúng những điều có ích và tin tưởng các con thì những nạn nhân như thế sẽ bớt đi phần nào.
Không có án tử hình cho những tên tội phạm ấu dâm trên thế giới, nhưng những nạn nhân bị ấu dâm lại nhận án tử ngay chính khoảnh khắc mà các em bị xâm hại. Thiết nghĩ, mọi nỗi đau đều quá lớn, đừng xát thêm bất kỳ thứ gì lên vết thương đó một lần nữa!