Cúng ông Công, ông Táo 2025 ngày nào, giờ nào đẹp nhất?
Thổ Công là vị thần có nhiệm vụ ghi chép mọi việc tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình. Lễ cúng Thổ Công quan trọng nhất là ngày Tết Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp (còn gọi là Tết ông Công).
Người dân thường cúng ông Công ông Táo từ các ngày khoảng 20 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Bởi người ta quan niệm rằng sau 12 giờ trưa 23 tháng Chạp là lúc các ông Táo đã lên chầu Trời.
Ở một số tỉnh miền Nam, người ta cúng ông Công ông Táo vào buổi đêm, khoảng 20 - 23 giờ ngày 23 tháng Chạp. Đây được xem là thời điểm việc bếp núc đã xong, không còn nấu nướng để tránh làm phiền các Táo.
Năm 2025, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào thứ Tư, ngày 22/1 dương lịch. Nhiều gia đình lựa chọn ngày giờ thích hợp để cúng ông Công ông Táo để tiện bố trí công việc cũng như đón nhận những điều tốt đẹp, an lành.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo quan niệm phong thủy, mỗi khung giờ trong ngày đều ảnh hưởng khác nhau đến vận khí, vì vậy việc chọn ngày đẹp cúng ông Công ông Táo năm 2025 có thể giúp gia chủ thu hút năng lượng tích cực, mang lại may mắn và thuận lợi trong công việc.
Chọn đúng ngày giờ phù hợp không chỉ giúp lễ cúng thêm trang nghiêm mà còn đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình.
Theo sách "Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày" của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2025, ngày 23/12 Âm lịch - Tết ông Công ông Táo - chính là ngày Hoàng đạo, các gia đình có thể lựa chọn thực hiện lễ cúng vào một số giờ tốt như giờ Tý (23 giờ -1 giờ), giờ Dần (3 giờ-5 giờ), giờ Mão (5 giờ-7 giờ), giờ Ngọ (11 giờ-13 giờ).
Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11 giờ-13 giờ) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân.
Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Tư là ngày làm việc giữa tuần nên nhiều gia đình khó thu xếp để cúng được đúng ngày. Nhiều gia đình chọn cúng trước ngày 23 tháng Chạp để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật một cách chu đáo mà không bị áp lực.
- Ngày 19 tháng Chạp (thứ Bảy ngày 18/1 Dương lịch) gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào: Giờ Thìn (7 giờ-9 giờ), Ngọ (11 giờ-13 giờ), Mùi (13 giờ-15 giờ), Tuất (19 giờ-21 giờ).
- Ngày 20 tháng Chạp (Chủ nhật ngày 19/1 Dương lịch) các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Giờ Sửu (1 giờ-3 giờ), Mão (5 giờ-7 giờ), Ngọ (11 giờ-13 giờ), Thân (15 giờ-17 giờ), Dậu (17 giờ-19 giờ).
- Ngày 21 tháng Chạp (thứ Hai, 20/1 Dương lịch), các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Giờ Dần (3 giờ-5 giờ), giờ Mão (5 giờ-7 giờ), giờ Tỵ (9 giờ-11 giờ), giờ Thân (15 giờ-17 giờ), giờ Tuất (19 giờ-21 giờ) và giờ Hợi (21 giờ -23 giờ).
- Ngày 22 tháng Chạp (thứ Ba, 21/1 Dương lịch) là ngày Tam nương, được coi là ngày xấu.
Theo quan niệm, các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm khiến Táo quân phải chờ đợi lâu khi lên thiên đình, cũng không được muộn hơn giờ Ngọ (11 giờ-13 giờ) ngày 23 tháng Chạp vì các ngài sẽ không kịp lên dự buổi chầu.
Mâm cúng ông Công, ông Táo
Trong ngày lễ này, sau khi cúng xong, Thổ Công lên chầu Thượng Đế để báo cáo những điều tai nghe, mắt thấy ở trần thế mà mình đã ghi chép được. Còn các gia đình sẽ hóa vàng, mũ, áo, hia của năm trước đổ tro ra sống và phóng sinh cho con cá chép để cho ông cưỡi lên Trời. Quan niệm dân gian cho rằng cá chép sau khi được phóng sinh sẽ hóa thành rồng để cho ông Táo cưỡi.
Tùy theo điều kiện hoàn cảnh, vùng miền khác nhau mà các gia đình lựa chọn mâm lễ cúng ông Công ông Táo khác nhau, tùy theo điều kiện của từng gia đình.
Dưới đây là gợi ý mâm lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, hương, trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu, hoa (1 lọ hoa cúc, 1 lọ hoa đào nhỏ). Tùy theo từng vùng miền, các món ăn có thể thay đổi cho phù hợp.
Các bà nội trợ hoặc người trong gia đình được giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ cần mặc trang phục nghiêm chỉnh, lịch sự và trong quá trình làm lễ cúng tránh cười đùa lớn tiếng mà cần tĩnh lặng, khấn nhẹ nhàng, trang nghiêm.
Ngoài ra, cần tránh một số điều này khi cúng ông Công ông Táo để thể hiện sự thành kính:
+ Lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ nhưng cần lưu ý cúng đồ mới, không sử dụng đồ ăn thừa hay đã qua sử dụng.
+ Tránh làm đổ vỡ đồ vật cúng trong quá trình cúng.
+ Dịp này nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt, thế nhưng, điều này không chỉ gây tốn kém mà lại không đúng về tâm linh.
+ Việc rán cá chép để cúng ông Táo cũng không phù hợp với phong tục, vì với Táo quân, cá chép là phương tiện di chuyển chứ không phải món ăn.
Ngoài ra, khi mọi người thả cá chép cần lưu ý dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước để cho cá tự bơi ra.
Hoặc bạn cho cá vào lòng bàn tay rồi thả nhẹ nhàng xuống nước, tuyệt đối tránh đứng ở trên cầu hay điểm ở trên cao ném xuống sẽ làm cá bị chết. Cùng với đó, không thả cá ở nơi có nguồn nước ô nhiễm.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!