Trải qua 5 năm của giai đoạn I (2012-2017), chương trình đã đạt được rất nhiều thành công trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn hiệu quả cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thông qua các mô hình ruộng lúa bờ hoa để tạo ra cảnh quan tươi đẹp ở nông thôn.
Ở giai đoạn II (2017 – 2021), từ vụ Đông Xuân 2017 – 2018, bước đầu vận động các công ty kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV lên con số 18 đơn vị đồng hành cùng Chương trình. Đến Đông Xuân năm 2018 – 2019, Chương trình đã mở rộng với sự tham gia của hơn 50 công ty, nhà máy kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV trên lãnh thổ Việt Nam bên cạnh sự đồng hành của Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) càng cho thấy Chương trình đã thực sự trở thành một thương hiệu trong công tác lan tỏa việc bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.
Chiến dịch thu gom rác thải nông nghiệp. |
Qua hơn 7 năm, chương trình đã đào tạo 531 giảng viên. Từ lực lượng nòng cốt này, chương trình đã thực hiện hơn 16.366 cuộc hội thảo với 658.585 nông dân tham dự tại 22 tỉnh thành. Chương trình đã phát hơn 590.454 tờ rơi, dán tổng cộng 26.530 poster tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Đồng thời đã tập huấn cho 4.900 sinh viên trường Đại Học Đà Lạt, Tiền Giang, Cửu Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ.
Ngoài việc được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, nông dân còn áp dụng chương trình “Công nghệ sinh thái”- trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng,.. giảm đáng kể số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong 7 năm qua, chương trình đã hình thành 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới ở 22 tỉnh thành với các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu: Lúa, Măng tây, Thanh long, Bưởi da xanh, Xoài, Vú Sữa, Nhãn, Mãn cầu ta, Mãng cầu xiêm, Hồ tiêu, Khoai lang, Hành tím,… Tổng diện tích của các mô hình đến nay đạt hơn 8.290 ha, với sự tham gia trực tiếp của hơn 7.713 hộ nông dân cùng thực hiện, trong đó 756 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; chương trình đã vận động bà con nông dân thu gom hơn 60.762 kg bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Lượng rác thải BVTV này được đem tiêu hủy tại nhà máy Insee Ecocycle Việt Nam.
Bước sang năm thứ 2 của giai đoạn II (2017 – 2022), Chương trình chuyển đổi cách xây dựng các mô hình điểm gắn liền với một Xã Nông thôn mới điển hình tại địa phương. Bên cạnh công tác tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, trồng hoa bờ ruộng, vườn thu hút thiên địch và tạo cảnh quan nông thôn; Chương trình còn hướng người nông dân tham gia sản xuất nông sản an toàn, xây dựng các mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu, tạo sự liên kết giữa các công ty XNK nông sản với các Tổ hợp tác, HTX tại địa phương nhằm tạo đầu ra cho nông sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Chương trình đã phát 21.500 bao chứa chuyên dụng, xây thêm 105 hố chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, tổ chức 139 cuộc tập huấn cho 4.921 nông dân trong và ngoài mô hình điểm. Về vật liệu tuyên tryền, các địa phương đã phát 5.220 tờ rơi và dán 242 poster thông tin về chương trình tại các địa điểm tập huấn. Và trong đợt thu gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng lần thứ 1 năm 2019 diễn ra từ 22 - 27/7/2019 tại 22 tỉnh thành phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Đoàn dự kiến sẽ thu gom số lượng 13.755 kg bao bì thuốc BVTV các loại đã qua sử dụng vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh công tác thường xuyên của Chương trình, Ban điều hành đã liên kết với Đài Truyền hình Vĩnh Long phát định kỳ vào sáng Chủ Nhật hàng tuần đưa tin về Chương trình. Từ tháng 7/2019, Báo Nông nghiệp Việt nam trở thành thành viên chính thức tham gia bảo trợ truyền thông cho chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường.
Chương trình đã thành lập được 10 Câu lạc bộ với 100 thành viên là những bà con nông dân chuyên phun xịt thuốc thuê. Những nông dân này được hướng dẫn cách sử dụng nông dược an toàn, hiệu quả, đồng thời được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe. Chương trình đã tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho nông dân của 10 câu lạc bộ.
Một điểm nhấn đặc biệt khác của Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” là hoạt động truyền thông rộng rãi đến cộng đồng thông qua giải đua xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long qua các năm từ 2013 đến 2018. Với sự cổ vũ nhiệt tình của nhân dân, giải đua xe đạp mang thông điệp “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn hướng đến sản xuất nông sản an toàn.
Chương trình sẽ còn tiếp tục thực hiện với nhiều hoạt động chuyên ngành và hoạt động xã hội ý nghĩa, mang lại cho môi trường và cuộc sống nông thôn ngày càng tươi đẹp, phát triển bền vững.