Phương án thúc đẩy sản xuất kinh doanh mới chỉ là dự kiến
Chiều 5/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin về tình hình chống dịch; kiểm soát lưu thông; kết quả ban đầu đợt 1 xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng…
Ông Phạm Đức Hải – Phó ban, người phát ngôn Ban Chỉ đạo cho biết, hiện trên mạng lan truyền một số thông tin, chẳng hạn như bắt đầu sống chung với dịch kể từ 15/9, sau 15/9 mọi hoạt động sản xuất trở lại bình thường nếu an toàn, chuyển dần sang điều trị Covid-19 thu phí… Theo ông Phạm Đức Hải, đó là những thông tin sai sự thật.
Về thông tin người tiêm đủ 2 liều vaccine sẽ được hoạt động sau 6/9 hoặc 15/9, ông Phạm Đức Hải biết sau khi kiểm soát dịch bệnh, sẽ có quy định cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động, hiện nay thì chưa và người dân phải chờ quyết định cụ thể của UBND TP.
“Sáng nay trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên với quận 7, UBND quận 7 có trình phương án (dự kiến) thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới. Đây mới chỉ là phương án dự kiến” - ông Phạm Đức Hải cung cấp thông tin.
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, ngày 1/9, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Quét mã QR kiểm soát người đi đường
Giấy đi đường được gia hạn đến khi hết giãn cách
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã giải đáp một số vấn đề được dư luận quan tâm như thời hạn giấy đi đường có giá trị đến ngày 6/9, nếu tiếp tục giãn cách thì giấy đi đường có còn hiệu lực?
"Nếu kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì gia hạn và kéo dài thời hạn giấy đi đường đã được cấp đến ngày đó" - ông Lê Mạnh Hà cho biết.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, khi khống chế được tình hình dịch bệnh, TP sẽ có các phương án mở rộng hoạt động sản xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Công an TP đã tính toán nhiều giải pháp, các tiêu chí an toàn như đã tiêm vaccine chưa, có xét nghiệm âm tính… để không lây lan khi ra đường… Hiện Công an TP và các Sở, ngành phối hợp cập nhật các dữ liệu của F0, dữ liệu giấy đi đường… cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia để kiểm soát, quét mã QR khi người dân ra đường.
Tính toán mở lại chợ truyền thống đảm bảo các tiêu chí an toàn
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, chế biến… đang tăng lên trong nhân dân. Sở Công Thương đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối, cho thấy họ đang gặp một số vấn đề khó khăn, trong đó có vấn đề các đơn vị này chưa thuộc đối tượng đi đường… Sở Công Thương đã rà soát, tính toán trước mắt ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, xe chuyên chở nhiều được ưu tiên cấp giấy đi đường. Khi nhu cầu tăng lên sẽ tiếp tục mở thêm diện ưu tiên cho hệ thống thực phẩm tươi sống và chế biến.
"Sở Công Thương luôn có phương án chủ động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Sở đã làm việc với các cơ quan liên quan, xem xét tính toán mở lại chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhưng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Trước mắt, có thể mở các điểm trung chuyển hàng hóa, giúp các tiểu thương tập kết, lưu thông hàng hóa" - ông Phương cho biết.
Lấy mẫu xét nghiệm, nguồn HCDC
F0 trong cộng đồng có xu hướng giảm
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tới 4/9 tất cả quận, huyện thực hiện xong xét nghiệm đợt 1. Trong đó, Cần giờ, Gò Vấp, Củ Chi hoàn thành sớm và bước vào đợt 2. Hôm nay, các quận huyện đã đạt trên 80% khối lượng xét nghiệm của đợt 2. Đến hết ngày 6/9, dự kiến tất cả quận, huyện xét nghiệm xong đợt 2. Về cơ bản, mới xong đợt 1, nên chưa thể đánh giá một cách chính xác nhất, nhưng dựa trên số liệu sơ bộ có được thì tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 vùng xanh và cận xanh là 0,8 %; vùng vàng là 1,5%; cam đỏ đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%.
Cùng vùng đó, trước đây xét nghiệm cho kết quả là 3,6% dương tính, xét nghiệm lần 2 là 2,7%. Kết quả này có giảm nhưng chưa đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ thì F0 trong cộng đồng có sự giảm. Phải chờ đến hết ngày 6/9 mới có thể đánh giá con số chính xác, từ đó mới có thể so sánh cụ thể.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng cung cấp một số thông tin về tình hình sử dụng thuốc kháng vi rút để điều trị cho F0. Vừa qua, TP đã nhận 16.000 liều và phát về các quận huyện, đến nay cấp 5.058 liều, tức gần 1/3 số thuốc TP được cấp
Túi thuốc C (TP cấp cho F0 3 túi thuốc, có ký hiệu A, B và C) là thuốc được kiểm soát đặc biệt và đây cũng là thuốc rất mới nên có một số chống chỉ định, người dùng phải ký cam kết. Do giám sát chặt chẽ về chuyên môn và pháp lý nên hiện thời thuốc đã có sẵn nhưng người bệnh còn dè dặt vì thuốc này mới. Ngành y tế đã chủ động truyền thông để người dân mạnh dạn dùng thuốc. Thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và có ghi nhận khả quan, làm giảm tải lượng vi rút, giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc này có một số tác dụng phụ nhưng không đáng kể như nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi…Có thể đánh giá sơ bộ, thuốc này mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến chống Covid-19.