Triển khai các tổ cấp CCCD lưu động hoạt động 7 ngày/tuần
Trung tá Nguyễn Thị Nga - Đội trưởng Đội hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú, quản lý CCCD (Phòng PC06 Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết: Các tổ cấp CCCD lưu động hiện đang triển khai để hỗ trợ người dân tại các khu công nghiệp, trường học. Các trường hợp già yếu, bệnh tật không đi lại cũng đều được Công an các huyện, thành phố thực hiện với mỗi ngày làm việc 3 ca tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, thứ 7, chủ nhật.
Bà Đinh Thị Cúc (100 tuổi) được cán bộ Phòng PC06 và Công an Phường Bình Đa, TP Biên Hòa hỗ trợ làm CCCD tại nhà. Ảnh: VNE
“Nhiều người dân còn e ngại việc đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang CCCD gắn chip vì nhầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến việc mua, bán tài sản, giao dịch ngân hàng, bảo hiểm… Thẻ CCCD gắn chip điện tử tích hợp đầy đủ thông tin, phòng tránh được việc giả mạo các loại giấy tờ. Người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang hiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ có gắn chip để thực hiện giao dịch” - trung tá Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Cũng theo trung tá Nguyễn Thị Nga, thẻ CCCD có gắn chíp điện tử do Bộ Công an phát hành là một trong những thẻ CCCD tiên tiến, hiện đại bật nhất trên thế giới với nhiều tính năng, tác dụng và thẩm mỹ. Cụ thể, CCCD gắn chíp điện tử đem lại cho công dân rất nhiều lợi ích so với chứng minh nhân dân, CCCD loại cũ.
So với chứng minh nhân dân, CCCD sử dụng mã vạch, CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp được truy cập ngay thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.
Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam đồng thời không có chức năng định vị, theo dõi xác định vị trí của công dân. Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, nhất là bảo mật trong giao dịch tài chính.
Cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai trao CCCD gắn chip cho người dân làng bè Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: VNE
Hướng đến chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử
Theo trung tá Nguyễn Thị Nga, có thể thấy, lợi ích và hiệu quả của việc làm thẻ CCCD gắn chíp điện tử là rất rõ ràng khi công dân được đảm bảo quyền lợi về CCCD, được phục vụ giao dịch cá nhân nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại.
Cùng với đó, các cơ quan nhà nước sẽ được hưởng những dịch vụ công tốt nhất, được kết nối, khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý của mình nhanh chóng, chính xác, độ tin cậy cao; minh bạch hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả của các dịch vụ hành chính công.
Đến ngày 01/01/2023, sổ hộ giấy không còn giá trị sử dụng thì CCCD chính là thẻ thông hành tiện lợi nhất thực hiện giao dịch hành chính nên khuyến cáo người dân sớm đến các điểm làm thủ tục cấp CCCD các phường, xã để được hướng dẫn làm thủ tục.
Việc cấp thẻ với nhiều tính năng ưu việt này sẽ góp phần phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và đây là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.