Một trong những mối quan tâm lớn của người nội trợ là mâm cỗ Tết. Tết chỉ tròn vị khi trên bàn ăm ắp món ăn ngon. Bởi mâm cỗ Tết đâu chỉ là ẩm thực, mà còn là câu chuyện văn hóa, là tình yêu được trao gửi…
|
Mâm cỗ Tết truyền thống |
Kỳ công cỗ Tết truyền thống
Mâm cỗ tất niên của người Hà Nội theo truyền thống, đầy đủ 4 bát sẽ có bát chân giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. 4 đĩa là đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Nếu 6 bát sẽ bao gồm: Măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa gồm: Thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho.
Vậy nhưng, mâm cỗ tất niên cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nhà mà biện cỗ. Nhiều khi, nhìn mâm cỗ cũng đoán được phần nào gia cảnh. Nếp nhà giản dị thì sẽ là các món truyền thống. Nhà giàu lại cầu kỳ không biết chừng biện hẳn mâm cỗ bao gồm bóng cá sủ, bóng cá dưa, bào ngư, yến, vây cá mập…
Người vợ đảm trong nhà hiểu là, không phải sáng 30 dậy sớm đi chợ, về nhà tất bật trong bếp là đến trưa hay chiều tối sẽ biện xong một mâm cỗ tất niên như ý. Công việc xã hội bận rộn thật đấy, rồi còn lo bao việc đối nội đối ngoại, thế nhưng bà nội trợ đúng nghĩa vẫn cứ phải để tâm chuẩn bị cho những mâm cỗ từ trước Tết cả tháng. Mâm cỗ tất niên quan trọng vô cùng bởi thường thì nó là bữa cỗ ngon miệng nhất Tết, khi mà khẩu vị người ta chưa bị xáo trộn bởi thập cẩm các loại đồ ăn. Cỗ ngon một phần nhờ vào thực phẩm tốt. Chả hạn như món canh bóng thả thì phải kén được miếng bóng thăn, da mỏng, đều mà dẻo. Tẩy bóng không thể thiếu gừng ta và rượu trắng, ấy là chưa kể cách thái miếng bóng thế nào cho nó ra hình quân cờ, rồi bóp nhẹ tay đúng thớ để miếng bóng vẫn ngấm thơm mùi gừng mùi rượu mà không bị nát. Hoặc măng phải chọn được đúng loại măng nõn gác bếp một năm, nấu lên mới đảm bảo ngấm đẫm gia vị, mềm, giòn và ngọt thỉu, ăn một lại muốn ăn hai.
Đi chợ Tết online
Một món ngon tuy chỉ làm từ rau củ và lạc rang vừa độ là món xào hạnh nhân, mà tôi đã được thưởng thức trong suốt tuổi thơ mình nay hầu như biến mất trên mâm cỗ tất niên của người Hà Nội. Một đĩa xào hạnh nhân nhiều màu sắc, chỉ cầu kỳ trong khâu chuẩn bị nhưng có vẻ cũng là hơi quá mất thời gian với những tâm hồn nhớn nhác của phụ nữ thời nay? Nhưng như mọi dấu hiệu khác của đời sống, ẩm thực là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Bởi thế mà đã có những mâm cỗ tất niên thời mà nhiều nội tướng có thói quen đi chợ online.
Chẳng hạn như, gà tây xông khói Hàn Quốc hay cánh, đùi, lườn ngỗng Nga xông khói… đã là một trào lưu trong mâm cỗ Tết vài năm nay. Lườn ngỗng Nga xông khói chuẩn thì có giá khoảng 250.000/kg nhưng chỉ cần 2 lạng là thái đầy vun được một đĩa. Năm nay, các chị em còn bảo nhau làm thêm món salad lườn ngỗng này, quả là một sáng tạo không tồi. Rồi thì bắp cừu xông khói chín, đùi cừu muối sống tẩm ướp gia vị, cá hồi Nauy/Chile xông khói, phô mai sợi xông khói Nga, đùi heo Hàn Quốc xông khói… cũng không còn xa lạ trong ký ức ẩm thực Tết. Sự du nhập và ảnh hưởng của các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới đã ảnh hưởng ít nhiều tới sự thay đổi thực đơn của mâm cỗ ngày Tết. Đa dạng hơn mà lại tốn ít thời gian chuẩn bị hơn, âu cũng là cái nhịp của cuộc sống hiện đại.
|
Món Nem công |
Nhiều phụ nữ quá bận rộn chọn giải pháp đặt cỗ online. Không quá tốn kém mà có khi vẫn được tiếng gái đảm. Bởi hầu hết các thương hiệu đặt cỗ có tiếng đều luôn giữ chân khách bằng cách sáng tạo những món mới, ngon đã đành lại còn đẹp. Chả hạn như món giò hoa ngũ sắc, cổ lợn quay, nem Phùng, tai lợn ngâm dấm, bắp bò ngâm nước mắm…
Thời của những mâm cỗ Tết online, người nội trợ trong gia đình sẽ hoàn toàn thoát khỏi cảnh bếp núc ngày Tết? Câu trả lời là còn tùy vào gia cảnh. Nếu như gia đình quá ít người, con cái đều du học xa nhà, tất niên bày biện mâm cao cỗ đầy thì cũng đến nước cất lại hầu hết trong tủ lạnh. Thế nhưng, dẫu không nói ra, bữa ăn cuối cùng của năm mà sơ sài quá, sẽ là nốt lặng buồn. Bởi thế, một người nội tướng tử tế, không thể không bỏ công nhóm lên trong ngôi nhà của mình ngọn lửa ấm áp của sự quây quần dẫu không thể đủ các thành viên trong gia đình.
Ăn Tết theo chuyên đề
Có tình trạng mấy ngày Tết, các mâm cỗ bày lên giống hệt nhau, thực khách chả buồn động đũa, thành ra tủ lạnh chật ứ. Sao không thử ăn Tết theo chuyên đề. Chẳng hạn như tất cả các bữa sáng sẽ xoay quanh chuyên đề măng. Nồi măng to chia thành nhiều phần gọn gàng, tùy theo mỗi sáng sẽ thả miến hoặc ăn kèm với bún, vừa nhanh vừa ấm bụng, đảm bảo đi chúc Tết tới trưa cũng không bị cồn ruột. Tráng miệng với chè hoa cau hoặc chè sen. Hai món chè vừa dễ sửa soạn vừa có tác dụng giải nhiệt.
Chuyên đề bánh gối sẽ được thực hiện khi các thành viên trong gia đình đều muốn đổi món. Vỏ bánh mua sẵn từ chiều ngày 30 Tết, không cất trong tủ lạnh mà bọc trong lá bắp cải, để được yên lành trong 3 - 4 ngày. Nhân bánh gối làm như nhân nem, nhưng có thể gia thêm lạp sườn, vị lạ mà ngon hơn. Món bánh gối ngày Tết chấm với thứ nước mắm pha chua chua cay cay, lại đèo thêm những đọt rau xà lách, rau thơm, rau mùi tươi roi rói giải háo không thua gì mấy tô bún ốc bún cua, vốn đắt hàng vòng trong vòng ngoài mấy ngày Tết khắp các phố lớn, ngõ nhỏ của thủ đô Hà Nội.
Những hàng quà ấy nhiều khi chỉ chăng bạt bán mấy ngày Tết, chả trách nhiều thực khách phải than phiền vì thực ra chủ quán đang bán cho họ một thứ nước cà chua lễnh loãng, điểm qua chút gạch cua hoặc vài con ốc đã nguội ngắt. Hoặc giả, chuyên đề lẩu riêu cua bò. Hãy mua từ trước Tết gầu bò, diềm thăn, đem về cất tủ đá. Miếng gầu bò mua khéo luộc kỹ, trụng trong nước lẩu cua và cả xương ninh âm ỉ, cái ngọt nọ cặp với cái ngon kia, nó nâng miếng ăn lên thành nỗi nhớ vị giác cứ âm ỉ trong ký ức.