Tiêm ngừa không đồng nghĩa miễn nhiễm
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 của Anh. Có khoảng 900 người, là nhân viên các khoa, phòng, ban của bệnh viện được tiêm và đến nay tất cả đều đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine. Được biết đợt 1 tiêm từ ngày 8/3/2021 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4/2021.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, tính đến chiều ngày 13/6, thông tin 53 nhân viên bệnh viện này dù đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19 khiến dư luận hoang mang. Vậy, ý nghĩa sau cùng của việc tiêm phòng vaccine Covid-19 là gì, khi mà người được tiêm ngừa lại không miễn nhiễm 100% với Covid-19?
Đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, 53 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP vẫn mắc Covid-19
Liên quan đến nội dung này, Giáo sư Trần Tịnh Hiền - Giám đốc chuyên môn Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP khẳng định, dù phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 sau khi đã tiêm vaccine nhưng điều này không đồng nghĩa việc tiêm chủng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP là thất bại.
“Dù là ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine, nếu ghi nhận tỷ lệ 5-10% trường hợp xét nghiệm dương tính, thì không phải do tiêm chủng thất bại”, Giáo sư Hiền phân tích.
Giáo sư Hiền phân tích, bên cạnh khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng hay tử vong, tiêm ngừa vaccine tạo ra lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho dân chúng, khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80% dân số. Hai loại vaccine tốt nhất hiện nay ở Mỹ và cả thế giới là Moderna và Pfizer, vẫn có những trường hợp mắc bệnh sau tiêm.
“Một khảo sát trên dân số Anh đã chủng ngừa từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, vaccine Covid-19 AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ 60% sau 28 ngày. Theo công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine AstraZeneca giúp giảm các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh nặng”, giáo sư Hiền dẫn chứng.
Đồng quan điểm, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng nhận định, Vaccine Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị mắc bệnh.
"Điều này không thể nói là chất lượng vaccine không tốt. Ngay cả người từng mắc Covid-19 rồi vẫn có thể tái nhiễm, phụ thuộc cá nhân có tạo ra lượng kháng thể đủ để phòng chống bệnh hay không”, bác sĩ Khanh lý giải.
Theo bác sĩ Khanh, lợi ích của vaccine phải nhìn trên tổng thể, ở yếu tố miễn dịch cộng đồng: “Thực tế đã chứng minh, sau khi Mỹ triển khai tiêm vaccine ở phần lớn dân số, vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 khoảng 10.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, số này đã giảm rất nhiều lần so với trước đây, khoảng 400.000 ca một ngày. Số ca bệnh nặng, số tử vong cũng giảm hẳn sau khi Mỹ tổ chức tiêm vaccine diện rộng”, bác sĩ Khanh nói.
Tuân thủ 5K trong mọi hoàn cảnh
Bài học từ Bệnh viện Nhiệt đới TP là không thể chủ quan, luôn tuân thủ 5K dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19
Mặc dù lưu ý, không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm khỏi mắc bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, vaccine AstraZeneca mà Việt Nam đang sử dụng vẫn có tác dụng phòng đối với virus, đặc biệt là phòng thể nặng. Điều này rất quan trọng cho những người có nhiều nguy cơ như mắc bệnh lý nền, người cao tuổi, người mặc bệnh đặc biệt... thì việc phòng thể nặng đã rất tốt, chưa kể đến phòng nhiễm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc tiêm vaccine, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch 5K hết sức nghiêm ngặt. Bởi vì, tiêm vaccine cũng chỉ có thể giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng vẫn có thể mắc bệnh và có nguy cơ lây cho người khác, dù khả năng lây nhiễm cho người khác được đánh giá giảm nhiều.
Bài học rút ra từ vụ việc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP là không phải chỉ tiêm vaccine là phòng chống được Covid-19, mà cần có sự kết hợp tốt giữa các biện pháp phòng ngừa 5K. Việc kết hợp giúp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Người chưa tiêm vaccine, người đã tiêm song không tạo được kháng thể, tuân thủ tốt 5K giúp phòng bệnh.
“Vaccine vẫn chưa thể thay thế nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Đây cũng là lý do chúng ta phải tiếp tục thực hiện chủ trương vaccine kết hợp 5K theo khuyến cáo”, TS – Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định.
Theo bác sĩ Hùng, không chỉ người dân, mà lực lượng chức năng và nhân viên y tế cũng phải tuyệt đối tuân thủ 5K trong mọi hoàn cảnh, có như vậy thì công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới đạt được hiệu quả tốt nhất.