Những con số thống kê cập nhật cho thấy Việt Nam, hiện được xem là quốc gia an toàn qua thành quả của những nỗ lực chống dịch triệt để từ nhà nước cùng với các hưởng ứng mạnh mẽ của toàn dân. Tuy nhiên, hiện trạng này vẫn không cho phép cả nước chủ quan, lơ là, nhất là chúng ta đang bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch phòng chống bệnh dịch này.
Trong những nỗ lực chống chọi dịch bệnh với những kết quả khả quan vậy, thì thông tin từ ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phát đi chiều ngày 09/3 không chỉ làm nhiều người lo ngại, mà hơn cả là dư luận đang gay gắt phẩn nộ.
Cơ quan chức năng Quảng Trị đến đưa bốn người của công ty điện gió P.Đ ở Hướng Hóa đi cách ly trong đêm 8-3 - Ảnh: H.T (Tuổi trẻ).
Thượng tá Hồ Sỹ Nhung, Trưởng công an huyện Hướng Hóa cho biết trên đây là chuyện có thật và rất đáng lên án, cần phải được xử lý nghiêm.
Thông tin ban đầu cho biết, 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cách ly khi đi trên chuyến bay VN1547 (có người nhiễm Covid-19), lưu trú tại TT.Khe Sanh, huyện Hướng Hóa là Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió P.Đ. đang triển khai một dự án điện gió ở huyện Hướng Hóa.
Doanh nhân này đã trốn đi cách ly mà đưa nhân viên đi thay. Chiêu trò "đánh tráo" người để trốn đi cách ly sau đó bị bị phát hiện, và đã được Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kịp thời báo cáo cơ quan cức năng xử lý. Hiện người này đã ra trình diện cách ly cùng tài xế riêng của mình. Nhân viên đi cách ly thay cũng phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu.
Là một doanh nhân, tiêu chuẩn hàng đầu không chỉ là đạo đức kinh doanh, mà còn là phải có trách nhiệm tối thiểu với xã hội và cộng đồng. Hành vi đánh tráo người và trốn cách ly đang có nguy cơ gây tác động xấu đến người thân và cộng đồng nếu chẳng may doanh nhân này nhiễm bệnh. Và như vậy là cố tình gây ra một hậu quả khôn lường cho xã hội.
Đó không chỉ là một hành động xấu xa ích kỷ, không chỉ đáng để dư luận lên án, thậm chí hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần bị trừng phạt thích đáng.
Đòi hỏi của cộng đồng
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 chia bệnh truyền nhiễm thành 03 nhóm A, B, C. Trong đó, nhóm A được đánh giá là có mức độ nguy hiểm cao nhất.
Tổ chức y tế thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của virut Corona cuối tháng 1 vừa qua. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định 173/QĐ-TTg để công bố dịch. Covid-19 đã được Bộ Y tế đánh giá là nguy hiểm và bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Điều 1 Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 29/01/2020
Phải cách ly vì bay cùng người nhiễm Covid-19, Chủ tịch HĐQT công ty điện gió sai cấp dưới đi thay
(Tieudung.vn) - Là người có mặt trên chuyến bay có người dương tính với Covid-19, tuy nhiên khi được cơ quan chức năng yêu cầu cách ly, Chủ tịch HĐQT công ty điện gió đã “tráo” cấp dưới đi cách ly thay mình. |
Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Việc cách ly những người mắc bệnh, có nguy cơ mắc là quy định bắt buộc của ngành y tế thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta đã làm tốt việc kiểm soát dịch Covid-19 và được WHO đánh giá cao. Cách ly giúp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cho chính những người có nguy cơ nhiễm bệnh.,
Vì thế, việc cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền... là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Hành vi bỏ trốn khỏi nơi cách ly cần bị xử phạt nặng.
Xử phạt hành chính…
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào thực hiện che giấu hiện trạng truyền nhiễm nhóm A của bản thân hoặc người khác; hoặc không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 01 triệu đồng.
Điểm b khoản 2 Điều 10 NĐ 176 cũng nói rõ, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đồng thời bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
… Hay xử lý hình sự?
Nếu hành vi bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến hậu quả là làm lây lan dịch Covid-19 ra xã hội thì người trốn khỏi nơi cách ly còn bị đối mặt với án phạt tù lên đến 12 năm.
Cụ thể, Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người mà, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu hành vi này làm chết người thì mức phạt lên đến 10 năm, chết từ 02 người trở lên thì mức phạt là 10 - 12 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mức phạt nặng là rất cần thiết bởi hành vi này có thể gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội.
Pháp luật với những quy phạm cụ thể, trường hợp doanh nhân thiếu đạo đức và trách nhiệm cộng đồng như Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió P.Đ nhiểu người đang chờ một hình thức xử lý thích đáng làm gương, lấy lại lòng tin để toàn xã hội thêm động lực cùng nhà nước sớm đẩy lùi đại Covid- 19.