Hình ảnh nữ sinh đánh bạn trong một video xuất hiện trên mạng. |
Theo bác sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, bạo lực học đường diễn ra phổ biến hiện nay, bao gồm bạo lực thể xác (đánh nhau gây thương tích) và bạo lực tinh thần (chửi rủa xúc phạm, sỉ nhục trước đám đông, lột quần áo, quỳ gối…). Tình trạng trẻ đánh nhau, lột quần áo, sỉ nhục rồi quay clip tung lên mạng gây cho nạn nhân những sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách tự nhiên.
Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ mới thống kê số vụ bạo hành thể xác tại học đường, song chưa thống kê các trường hợp bị bạo lực tinh thần. Trong khi đó đa phần hậu quả sang chấn tâm lý lại rơi vào bạo lực tinh thần nhiều hơn.
Trẻ từ 13 -16 tuổi có nhiều biến đổi về mặt tâm sinh lý, thường suy nghĩ nông nổi, luôn cho mình là người đã lớn, muốn tự bản thân mình giải quyết mọi vấn đề.
Đặc biệt lứa tuổi này rất dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê, kích động. Các em thích thể hiện sức mạnh bản thân bằng vũ lực. Theo bác sĩ Hà, đó chính là những yếu tố dẫn đến việc không kiểm soát hành vi và dẫn đến việc bạo lực.
Khi xảy ra bạo lực thì ngay cả người bạo lực và người bị bạo lực đều tổn thương, đều có những sang chấn tâm lý nhất định như ám ảnh sợ, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Chuyên gia tâm lý cho rằng nếu trẻ bị bạo lực học đường thì đến tuổi trưởng thành dễ bị rối loạn nhân cách. Ví dụ như gặp khó khăn duy trì các mối quan hệ, thường có những hành vi tiêu cực, thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, lệch lạc giới tính, tình cảm, nhận thức sai lầm về thẩm mỹ, nghề nghiệp, giải trí, dễ nghiện hút, phạm tội...
Có nhiều nguyên nhân gây ra sang chấn tâm lý, phổ biến hơn cả là những đứa trẻ đã trải nghiệm về bạo lực ở các dạng khác nhau, ví dụ bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần…
Những sang chấn trực tiếp xảy ra trong bạo lực, dù bạo lực thể xác hay tình dục thì thường để lại ảnh hưởng nghiêm trọng mà các nạn nhân khó giải quyết được.
Những triệu chứng sang chấn tâm lý do bạo lực học đường như rối loạn cảm xúc, hành vi, nhận thức, lo âu… không kéo dài quá lâu hoặc không quá nghiêm trọng. Khi ấy nạn nhân có thể tự bình phục nhờ thời gian và môi trường sống tốt, lành mạnh cùng với sự hiểu biết và hỗ trợ từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Các dấu hiệu căng thẳng cũng thường được lãng quên nhanh chóng.
Ngược lại nếu tác động nặng nề, các triệu chứng kể trên kéo dài và gây ảnh hưởng đến học tập, mối quan hệ giao tiếp, vui chơi giải trí, sinh hoạt, giấc ngủ. Trong trường hợp này, việc trị liệu bao gồm các can thiệp tâm lý tập trung sang chấn.
Các can thiệp này tập trung vào việc cung cấp kiến thức về sang chấn, kỹ thuật chế ngự căng thẳng, giúp nạn nhân đối mặt với các tình huống gây sợ hãi hay các hồi ức gây đau khổ.
Một số loại thuốc, đặc biệt là một số thuốc chống trầm cảm loại mới, được sử dụng cùng với trị liệu tâm lý tập trung vào sang chấn.
Bác sĩ Hà khuyên, khi đã xác nhận rõ tình trạng con mình là nạn nhân của bạo lực học đường, cha mẹ nên nói chuyện với con trên tinh thần động viên, tâm sự một cách nhẹ nhàng.
Lúc này, con có thể đang trong trạng thái hoảng loạn, vì vậy bạn cần tỏ ra là một người bạn đáng tin cậy của con, sẵn sàng bảo vệ và ở bên cạnh con.
La mắng con chỉ làm trẻ càng sợ hãi và thu mình lại hơn. Hãy từ từ gợi mở để con kể câu chuyện một cách cụ thể. Bạn càng nắm chi tiết về chuyện con bị bắt nạt như thế nào thì càng có hướng giải quyết tốt hơn.
Phụ huynh cũng có thể trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô để đề nghị lưu ý đến học sinh. Nếu trẻ bị bạn xấu bắt nạt ở trường, giáo viên có thể can thiệp và giúp đỡ kịp thời.
Cha mẹ cũng có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt con mình để hai gia đình cùng nhau đưa ra phương án thích hợp. Đừng vội vàng nghĩ đến việc chuyển lớp, chuyển trường cho con vì không phải là cách giải quyết cái gốc của vấn đề.
Thầy cô giáo nếu phát hiện có tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong lớp do mình chủ nhiệm thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe học sinh, uốn nắn kịp thời.
Giáo viên phải có phương pháp giáo dục phù hợp cho từng trường hợp học sinh cụ thể bằng tấm lòng yêu thương nhân ái, trách nhiệm của người thầy giáo.