Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hồ Chí Minh (PC07), tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (hơn 50%) và thiệt hại về người, tài sản. Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.
Trong vòng chưa đầy một tuần, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra hai vụ cháy nghiêm trọng tại TP Thủ Đức và quận 8 làm chín người chết. Đây đều là các đám cháy xảy ra tại hộ gia đình. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, người dân nên trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy để bảo vệ tính mạng và tài sản.
Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho hộ gia đình trong khu dân cư, người dân cần tập trung một số giải pháp sau:
1. Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, chú trọng việc quản lý chặt chẽ các loại vật dụng dễ cháy, nổ các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn phòng và chữa cháy trong quá trình sử dụng.
2. Không được câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm.
3. Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn (tắt công tắc, cầu dao, aptomat, rút chuôi cắm ra khỏi ổ cắm điện,...) trước khi ra khỏi phòng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện. Khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng, sự cố về hệ thống điện như các thiết bị bảo vệ aptomat, cầu giao, cầu chì...; dây dẫn điện bị lão hóa, đổi màu, bong tróc, đứt gẫy; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa, rĩ sét, phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa, thay thế để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Người dân nên thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, bình bọt chữa cháy.
4. Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, kiểm tra nơi đun nấu, nơi thắp hương thờ cúng; khi đun nấu, đốt vàng mã, phải có người trông coi.
5. Không tàng trữ, buôn bán trái phép chất dễ cháy, nổ. Để vật liệu dễ cháy cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
6. Trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên; mua dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy.
7. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ hai, thứ ba… ngoài cửa chính; phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa… mở lối thoát; thang tre, thang dây để thoát nạn); mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn bông… để che chắn mặt, cơ thể… khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
Quy trình xử lý khi có cháy, nổ xảy ra ở hộ gia đình
Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết đi đến nơi an toàn khi có hỏa hoạn xảy ra.
Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, đi chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người chung quanh được biết.
Nếu đám cháy chưa phát triển lớn, tiến hành ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay từ ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…). Đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.