Liên quan đến việc khắc phục hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ sáng đến trưa 4/4, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động công nhân cùng năm xuồng chạy dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè để vớt cá chết mang đi xử lý và rải hóa chất làm sạch nguồn nước, tránh gây ô nhiễm diện rộng.
Theo người dân khu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sáng sớm 4/4, nhiều người đi tập thể dục ở hai bên bờ kênh đã phát hiện cá chết nổi lên hàng loạt, bốc mùi hôi thối, trong đó phần lớn là cá rô phi. Cá chết nhiều nhất trên đoạn kênh đi qua địa bàn quận 3, quận Phú Nhuận.
Trước đó, sau các cơn mưa trái mùa bất thường xảy ra vào ngày 30/3, 1/4, 2/4, người dân đã quan sát thấy có hiện tượng cá ngoi lên mặt nước thở thoi thóp, ngày 3/4 có một số con cá bị chết. Ngày 4/4, số cá chết lên đến hàng tấn.
Theo ông Lê Cẩm Lương, chuyên gia môi trường thủy sản, chuyên nghiên cứu về môi trường nước trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ngày 4/4 là do các cơn mưa lớn bất thường trước đó làm rửa trôi các chất trong những cống thải cũng như lớp bùn dưới đáy kênh, làm xáo trộn môi trường nước, trong khi lượng cá hiện có quá lớn, vượt quá sức tải của thủy lực, gây ra hiện tượng cá chết.
Cá bị chết phần lớn là cá rô phi bởi loài cá này không có cơ quan hô hấp phụ nên dễ bị tác động bởi môi trường sống. Để tránh trường hợp cá tiếp tục chết do mưa trái mùa hoặc vào đầu mùa mưa, cơ quan chức năng cần tiến hành thu tỉa cá để giảm lượng cá hiện có trên kênh phù hợp với lượng tải của thủy vực cũng như tránh để cá bị tác động do xáo trộn môi trường nước.
Vào mùa mưa, sau khoảng một tháng mưa đầu mùa, môi trường nước sẽ trở nên ổn định và cá cũng kịp thích nghi với những xáo trộn, sẽ không còn xảy ra hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.