Diễn giả Nguyễn Phi Vân là Tổng Giám đốc của một tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới và là chuyên gia, cố vấn cho hàng chục tổ chức quốc tế về kinh doanh, nhượng quyền và hội nhập, đã làm việc ở 60 quốc gia. Cô nói với các sinh viên rằng, mỗi bạn trẻ đã có sẵn tâm huyết, tri thức, niềm đam mê. Chỉ cần “bật nút chuyển đổi”, chuyển từ “ngắn hạn” sang “”dài hạn”, chuyển từ “cá nhân” sang “cộng đồng”, chuyển từ Việt Nam sang Thế Giới, là đã bắt đầu hành trình trở thành một công dân toàn cầu.
![]() |
Diễn giả Nguyễn Phi Vân tặng sách cô viết cho sinh viên. |
Tại các buổi giao lưu chủ đề “Bật Nút Công Dân Toàn Cầu” này, diễn giả Nguyễn Phi Vân chia sẻ với giới trẻ nhiều vấn đề về việc cần thiết phải trở thành một công dân toàn cầu trong điều kiện toàn cầu hóa; các bài học cần thiết để hòa nhập chủ động với thế giới qua câu chuyện của những người có trải nghiệm làm việc quốc tế; cách thức vận dụng công cụ bản đồ tư duy (mind map - lý thuyết con vi trùng) trong việc định vị và xác định điểm đến của sinh viên - học sinh trong bản đồ quốc tế…
Chương trình nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức cho sinh viên trong thời điểm toàn cầu hóa mạnh mẽ, giúp sinh viên Việt Nam dễ dàng hội nhập với thị trường quốc tế. Chương trình được dẫn dắt bởi diễn giả Nguyễn Phi Vân, chuyên gia kinh tế quốc tế, tác giả cuốn sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp, con đường ngắn để bước ra thế giới”.
![]() |
Diễn giả Nguyễn Phi Vân đang giao lưu với sinh viên. |
Chuyên gia, diễn giả Nguyễn Phi Vân cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi Việt Nam gia nhập các hiệp định kinh tế toàn cầu (ACE, TPP, APEC), thị trường lao động tại khu vực và Việt Nam đã có sự đổi thay rất lớn. Những quản lý cao cấp - trung cấp người Singapore, người Thái Lan... đã chiếm những vị trí chủ chốt trong các tập đoàn lớn tại Việt Nam; khi các bạn trẻ - các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa hiểu hết về pháp luật hội nhập ACE hay TPP, chưa hình dung được bức tranh tổng thể hoặc chi tiết ở thị trường thế giới, thì các tập đoàn lớn, các công ty đủ cỡ của thế giới đã tràn vào thị trường Việt Nam. Ở thời điểm mà “ngồi tại Sài Gòn bạn cũng đã phải cạnh tranh với anh Thái Lan mở quán ngay bên cạnh xe bánh mì của bạn”, cảm giác trở thành một “công dân toàn cầu” không còn là sự dũng cảm nữa, nó là điều bắt buộc phải thành, để tồn tại, để vươn lên.
“Nếu nhìn nhận trung thực - rõ ràng về điểm xuất phát của mình, xác định rõ điểm đến trong thị trường quốc tế và vẽ được bản đồ Ra Thế Giới, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể hòa nhập cùng khu vực và quốc tế”, chuyên gia này đánh giá.
“Tôi đến đây không phải để chia sẻ về thành công với các bạn. Tôi đến đây để chia sẻ con đường ra thế giới 20 năm qua của mình, để các bạn trẻ đi ra thế giới bớt vất vả hơn, tránh được những va vấp mà tôi đã trải qua”, chuyên gia chia sẻ với giới trẻ trong các cuộc giao lưu.
|
|