Sáng 1/8, tại cuộc họp khẩn trước tình hình áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và đổ bộ vào đất liền do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai tổ chức, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự kiến khoảng chiều nay 1/8, tới 60-65% áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 2 trên biển Đông từ đầu năm đến nay, với gió mạnh cấp 8. Sáng sớm mai 2/8 khi vào gần bờ, sẽ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Đáng lưu ý, cơn bão sẽ gây hoàn lưu ở vùng rất rộng, từ Nam Định vào Nghệ An.
Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới, bão.
Về dự báo mưa, từ Thừa Thiên Huế - Quảng Nam có lượng mưa phổ biến 80-100mm/đợt; khu vực trọng tâm từ Thanh Hoá đến Quảng Trị với 200-400mm/đợt, có nơi 500-600mm/đợt, tập trung hôm nay và ngày mai, sang ngày 3/8 mưa giảm dần.
Khu vực Bắc Bộ có lượng mưa phổ biến từ 200-300mm/đợt, có nơi đến 500mm/đợt từ nay đến 5/8. Khu vực Bắc Tây Nguyên mưa lớn đến 300mm/đợt.
Mực nước ở sông Đà, sông Thao, các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Trị, Tây Nguyên ở báo động 1 và 2, có nơi trên báo động 2. Trọng tâm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở một số nơi vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.
Nguy cơ ngập lụt ở một số nơi như Quỳnh Lưu (Nghệ An), TP Vinh, TP Đồng Hới (Quảng Bình), TP Đông Hà (Quảng Trị), huyện Chương Mỹ (Hà Nội)...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết có khả năng đây là cơn bão số 2 đổ bộ. Mặc dù cấp độ gió không phải quá lớn, nhưng phạm vi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển và đất liền rất rộng.
Dự kiến chiều mai bão ảnh hưởng, trùng với đỉnh của triều cường. Hoàn lưu bão gây mưa ở phạm vi rộng, từ Quảng Ninh đến Bình Định. Dự báo có 3 vùng trọng điểm mưa lớn là Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Bắc bộ. Có nhưng nơi có lượng mưa cực lớn. Trong khi đó đây là vùng có hoạt động kinh tế rộng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng, yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn trên biển, hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng nguy hiểm vào nơi an toàn, bảo vệ các lồng bè các khu vực nuôi biển.
Tại vùng đồng bằng, ven biển nơi có bão đổ bộ, Phó thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực nhà ở không an toàn, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình. Do đang mùa du lịch, khách còn nhiều nên Phó thủ tướng yêu cầu địa phương chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn cho khách du lịch.
Đồng thời, các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất an toàn, bảo vệ cho các công trình nhà ở của người dân, các công trình công sở như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, các khu công nghiệp, khu kinh tế... từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa,Nghệ An, Đà Nẵng...
Đối với khu vực miền núi, trung du thì hoàn lưu bão sẽ gây mưa rất lớn, lượng mưa có thể lên đến 500mm nên cần chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực không an toàn.
"Đây là tính mạng của người dân nên chúng ta cần phải hết sức trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú ý đến an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện. Xử lý nghiêm những chủ hồ không tuân theo đúng quy trình xử lý an toàn hồ đập. Theo dõi diễn biến động đất liên quan đến an toàn hồ đập. Các bộ ngành khác theo phân công chức năng quản lý nhà nước cùng vào cuộc tích cực có kế hoạch chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.
"Công tác phòng chống thiên tai phải gắn với phòng chống dịch Covid-19 cho tốt”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm, địa phương nào tập trung quyết liệt, chủ động thì nơi đó giảm được thiệt hại.