Viết đơn xin được cất chòi
Đi dọc đê biển Bạc Liêu về hướng xã Vĩnh Hậu huyện Hòa Bình không xa, nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cách con đê chỉ vài chục mét lại mọc lên một căn nhà gỗ có giá trị lớn giữa rừng phòng hộ xung yếu. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đó là một homestay cao cấp bằng gỗ nằm ven biển giữa rừng phòng hộ, chỉ dành cho giới thượng lưu muốn tận hưởng không khí thiên nhiên.
Đơn xin cất chòi để quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ mà ông Đào Hải Linh gửi Ban Quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu, ngày 5/6/2021. (Ảnh: Hoàng Quân)
Căn nhà gỗ tồn tại như nghiễm nhiên, bất chấp dư luận. Nó “hiên ngang” tồn tại trong khi một số công trình, hàng quán, xây dựng ven đê Biển Đông ở Bạc Liêu vi phạm pháp luật đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, buộc phải tháo dỡ.
Theo thông tin chúng tôi có được, ngày 5/6/2021, ông Đào Hải Linh đại diện pháp luật Công ty CPĐT Điện gió Hòa Bình I có đơn gửi Ban Quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu xin cất chòi để quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ. Nơi xin cất chòi thuộc ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, trên phần đất nhận khoán đất lâm nghiệp, thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng- phòng hộ ven biển Bạc Liêu quản lý. Theo đơn của ông Linh, quy cách cất theo chữ thập (ngang 16 m, dài 17 m), diện tích 212 m2. Kết cầu nhà sàn lót ván, khung dầm tre, gỗ, mái lợp vọt. Vị trí chòi cách chân đê 50 m về phía biển trên nền đất trống và không gây ảnh hưởng đến cây rừng.
Đơn xin cất chòi này được đã ông Lê Hoàng Vũ, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu, xác nhận đồng ý. Giao cho Trạm bảo vệ rừng phòng hộ huyện Hòa Bình giám sát quá trình cất chòi không để ảnh hưởng đến rừng và hành lang bảo vệ đê 25m.
Theo đánh giá của người dân, căn nhà gỗ hai tầng của Công ty CPĐT Điện gió Hòa Bình I có giá trị lên đến hàng tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Quân)
“Phù phép” chòi quản lý rừng thành biệt thự?
Theo thông tin từ Chi cục Thủy Lợi tỉnh Bạc Liêu, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Thủy lợi, Chi cục Kiểm lâm, UBND xã Vĩnh Hậu A và Ban Quản lý rừng đặc dụng - Phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu kiểm tra, phát hiện căn chòi tạm của Công ty CP đầu tư điện gió Hòa Bình I cất chòi trong rừng phòng hộ thực chất là nhà ở dạng sàn 2 tầng (một tầng trệt, một sàn) với chiều dài 17 m, chiều rộng 16 m. Đáng nói, căn chòi lại có kết cấu trụ bê tông cốt thép, sàn lót ván, khung dầm tre, gỗ…
Thời điểm kiểm tra hiện trạng vi phạm xây dựng, công trình đã hoàn thành móng trụ bê tông cốt thép sàn lót ván, khung dầm tre, gỗ, mái lợp vọt. Nguồn gốc đất xây dựng nhà ở trên đất rừng phòng hộ thuộc phạm vi bảo lưu đê biển Đông về phía biển. Chưa hết, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu còn phát hiện Công ty CP đầu tư điện gió Hòa Bình I có hành vi vi phạm như: xây dựng hàng rào có kết cấu móng bê tông dạng chân vịt (chiều cao 1,2 m, chiều sâu 0,8 m), song hàng rào có kết cấu bằng gỗ, cách chân đê 12 m về phía đông. Hiện trạng vi phạm đã thi công xong móng bê tông và đang lắp đặt hàng rào dài 167 m.
Hàng rào kết cấu bê tông, gỗ địa phương, có trồng cây xanh để bảo vệ căn nhà gỗ chỉ cách chân đê 12 m, nằm trong phạm vi bảo lưu đê Biển Đông. (Ảnh: Hoàng Quân)
Với các vi phạm trên, đoàn liên ngành đã lập biên bản vụ việc. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình tiến hành xử lý hành chính đối với Công ty CP đầu tư điện gió Hòa Bình I, đồng thời trả lại hiện trạng ban đầu cho hành lang bảo vệ đê.
Luật Đê điều do Quốc hội nước CHXHCNVN thông qua ngày 29/11/2006 quy định, đối với đê biển phạm vi bảo vệ hành lang đê phía biển là 200m, phía đồng là 25m tính từ chân đê trở ra.
Hiện vụ việc đang được nhiều người dân Bạc Liêu quan tâm, trông chờ các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật.