Ngay sau khi Chính phủ đã ban hành chỉ thị 16 (ngày 31/3), bảo đảm giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài và đóng cửa các dịch vụ không cần thiết. Nhiều người nghèo, người bán vé số, người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã lâm vào cảnh mất việc và thiếu hụt tài chính vì không thể đi làm.
Xuất phát từ mục đích san sẻ bớt một phần gánh nặng cho công động, ngày 6/4 tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) xuất hiện một điểm phát gạo từ thiện. Đặc biệt, máy phát gạo từ thiện này được thiết kế như cây ATM, khi nhấn nút, gạo sẽ tự động chảy ra, mọi thao tác đều được sử dụng thông qua công nghệ.
Sự xuất hiện của máy ATM phát gạo gây chú ý vì sự độc đáo, đồng thời nhận được sự ủng hộ, chung tay hưởng ứng từ các mạnh thường quân khắp mọi nơi vì mang ý nghĩa tốt đẹp. Sau đó, nhiều cây ATM gạo khác cũng xuất hiện lần lượt xuất hiện ở những quận huyện khác trên địa bàn TP.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty PHGLock (chủ nhân của chiếc máy đầu tiên tại quận Tân Phú), sau thành công của máy phát gạo tự động đầu tiên, ông Tuấn Anh đã chế tạo và lắp đặt miễn phí thêm 2 máy ATM nữa được lắp đặt tại UBND xã Vĩnh Lộc B và Nhà thiếu nhi quận 12.
“Việc mở thêm điểm ATM gạo nhằm giảm tải bớt cho ATM gạo đường Vườn Lài (quận Tân Phú) và giúp bà con nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực huyện Bình Chánh có thể đến nhận 1 phần. Tôi sẵng sàng tặng và chuyển giao công nghệ cho các cho các quận huyện khác ở TP hoặc các tỉnh, thành khác nếu mọi người có mong muốn lắp đặt các hệ thống tương tự”, ông Tuấn Anh nói.
Nói là làm, ngày 13/4 vừa qua, cây “ATM gạo” thứ hai được đặt gần trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh chính thức được đưa vào hoạt động, dân nghèo ở TP lại có thêm một điểm nhận gạo hỗ trợ miễn phí.
"ATM gạo" được đặt trước UBND xã, gồm 3 cửa xả gạo để phục vụ người dân. Người dân đến nhận gạo sẽ được lực lượng đoàn thanh niên và dân quân tự vệ hướng dẫn cách xếp hàng, nhận gạo.
Đến sáng 17/4, “ATM gạo” thứ 3 được đặt ở Nhà Thiếu nhi quận 12 (số 100 đường Hiệp Thành 11, phường Hiệp Thành) chính thức hoạt động, người dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn quận và các huyện lân cận vô cùng vui mừng vì từ nay mỗi ngày sẽ được đến nhận gạo miễn phí và bớt đi gánh lo hôm nay lấy gì nấu ăn.
Vị trí lắp đặt cây “ATM gạo” tại Quận 12 được đặt tại khu vực liền kề KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, nơi có nhiều công nhân và người lao động nghèo sinh sống. Cây “ATM gạo” tại Quận 12 sẽ hoạt động liên tục từ 8 giờ tới 18 giờ tối mỗi ngày cho đến khi công bố hết dịch Covid-19.
Địa điểm nhận gạo được thiết kế thành các khu vực đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và các làn đường riêng cho từng người. Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận đã đứng ra hướng dẫn, hỗ trợ để đảm bảo khoảng cách giữa những người đến nhận gạo. Nơi nhận gạo được thiết kế với hệ thống cảm ứng thông minh, chỉ cần đưa bao vô vòi là gạo tự động chảy ra bao cho người nhận. Mỗi người khi đến nhận sẽ được hỗ trợ 2 kg gạo cho một ngày đi kèm các nhu yếu phẩm như: mì gói, gia vị…. nếu thật sự có nhu cầu.
Đây là thành quả của những bạn trẻ bên Quận đoàn quận 12 đã bỏ công sức gần 5 ngày để làm công tác chuẩn bị. Nào là phân định và rào chắn từng lối đi riêng biệt, cho đến làm những vạch kẻ, điểm tròn tương ứng với từng người khi đứng chờ đến lượt để nhận gạo.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Tuấn Anh cho biết: " Sở dĩ lựa chọn ở vị trí Tân Phú, Bình Thạnh, Quận 12 là vì tôi muốn đảm bảo giữa mỗi "ATM gạo" có khoảng cách xa nhau để tiện cho việc bà con đến nhận gạo, tránh tình trạng bà con đến tập trung về một chỗ quá đông trong những ngày TP “căng mình” chống dịch".
Cũng theo ông Tuấn Anh, hiện tại mỗi điểm "ATM gạo" đã phát trên 5 tấn gạo/ngày, phục vụ gần 10.000 người dân nghèo. Trong thời gian tới, ông Tuấn Anh cùng nhiều nhà hảo tâm sẽ hướng đến 1 triệu dân đang gặp khó khăn được nhận gạo.
Ngoài 3 “ATM gạo” nói trên, thì hiện tại đã có thêm 1 “ATM gạo” nữa được đặt tại khuôn viên Trường đại học Kinh tế - tài chính TP Hồ Chí Minh (141 - 145 Điện Biên Phủ, phường 15, Quận Bình Thạnh).
Theo đó, sẽ có 13 tấn gạo được phát miễn phí cho người nghèo thông qua cây “ATM gạo” này. Thời gian hoạt động từ 15-17h, mỗi phần gạo hỗ trợ là 3kg/người.
Được biết, đây là hoạt động chung tay góp sức từ cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, phụ huynh của Trường đại học Kinh tế - tài chính TP và các nhà hảo tâm. Với tiêu chí tuân thủ các quy định về phòng dịch và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, Trường đại học Kinh tế - tài chính TP Hồ Chí Minh quyết định hoạt động này diễn ra dưới sự chủ trì, phối hợp của ban lãnh đạo địa phương nơi trường trú đóng.
Ngoài cây "ATM gạo" được lắp tại khuôn viên trường thì sắp tới, theo dự kiến Trường đại học Kinh tế - tài chính TP sẽ tiếp tục thực hiện một số cây "ATM gạo" khác tại nhiều địa điểm trong địa bàn quận Bình Thạnh.
Trong những ngày, TP Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, thì câu chuyện về những "ATM gạo" nhã gạo miễn phí đã lan tỏa khắp nơi vì ý nghĩa nhân văn và mang tính cộng đồng sâu sắc. Được biết, vượt khỏi phạm vi TP, “ATM gạo” cũng đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đăk Lăk…