Sáng nay (ngày 5/5), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2020” để bàn những giải pháp vượt qua khó khăn thách thức, đổi mới, sáng tạo tiếp tục phục hồi tăng trưởng kinh tế TP.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát hiểu chỉ đạo hội nghị sáng nay (5/5): Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP cho biết, thời gian qua TP đã thực hiện tốt giãn cách xã hội, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân. Do đó, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của TP chỉ đạt 0,42% - mức thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.
"Với ai trò đầu tàu kinh tế, TP luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước trung bình 1,1-1,2 lần trong thời gian dài. Sự tăng trưởng chậm lại của TP sẽ tác động đến cả nước. Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP là mệnh lệnh cần làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy kinh tế TP", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, chủ đề tọa đàm hết sức có ý nghĩa với TP và cả nước.
"Chúng ta cần dự báo một số nước đối tác chủ yếu trên 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch lúc nào ra khỏi dịch để chủ động liên hệ các quốc gia đó mở cửa nền kinh tế", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đồng thời để phát triển, phục hồi kinh tế TP năm 2020 trong trạng thái "bình thường mới", Bí thư Nhân đề xuất 10 giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới, thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng, dịch vụ. Phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh có nguy cơ nhiễm Covid-19.
Thứ hai, cần ngăn chặn việc phá sản của doanh nghiệp. Các chính sách cụ thể gồm hỗ trợ thu nhập cho người lao động (tháng 5-6) để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản cho doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Thứ ba, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Thứ tư, cần dự báo kịp thời, phối hợp với các đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước, vào thời điểm phù hợp.
Thứ năm, cần thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh. Triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10 giải ngân trên 80%, giá trị các dự án.
Một giải pháp khác là đẩy mạnh xây dựng khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thêm vào đó, cần hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức. Hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.
Cuối cùng, cần phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực TP, của cả nước và người Việt ở nước ngoài để xây dựng đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá gồm đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP giai đoạn 2020-2025.
Đề xuất tính phí xét nghiệm vào vé máy bay của khách đến Việt Nam Cũng tại buổi toạ đàm nói trên, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Tính theo ngưỡng an toàn là tỷ lệ người nhiễm 10 người/1 triệu dân là ngưỡng chuyển giai đoạn, Bí thư TP cho rằng các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước kèm điều kiện cụ thể và vào từng thời điểm khác nhau từ tháng 5 đến tháng 12. "Thách thức lớn nhất là làm sao phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam tháng 5/12. Điều này chưa có lời giải và cần đặt hàng ngành y tế", Bí thư nói. Do đó, Bí thư đề xuất nên chọn hướng kiểm soát ngay với toàn bộ du khách và tính phí xét nghiệm vào vé máy bay đến Việt Nam. |