Các đại biểu tham gia hội thảo trả lời những thắc mắc của phóng viên. |
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, năm 2018 toàn ngành cao su đã đóng góp khoảng 6,57 tỷ USD, ước tăng 2,7% so với năm 2017 và đóng góp 2,7 % vào tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (243,7 tỷ USD). Riêng đối với cao su thiên nhiên, trong 19 tháng của 2019 xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam ước đạt 1,3 triệu tấn với giá trị 1,76 tỷ USD. Đây là kết quả đáng khích lệ và tạo bước đệm cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của ngành cao su Việt Nam.
Sản xuất các sản phẩm nhựa và cao su đã trở thành một trong những ngành hàng tiềm năng trong những năm gần đây. Các sản phẩm làm bằng nhựa và cao su được sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ bao bì, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải, y tế đến công nghiệp ô tô. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ngành nhựa và cao su đang phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thô được xem là một trong những thách thức và mối quan tâm nhiều nhất của ngành công nghiệp cao su - nhựa hiện nay.
Hội thảo chuyên đề “Phát triển sản phẩm Cao su & Nhựa – Những đòi hỏi mới từ các ngành công nghiệp tại Việt Nam” sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cập nhật thông tin với các chủ đề: ngành sản xuất Cao su và Săm Lốp xe tại Việt Nam; sự phát triển của ngành sản xuất Cao su công nghiệp và Nhựa tại Việt Nam - Cơ hội và Thách thức,...
TS. Trần Thị Thùy Hoa, chuyên gia ngành cao su chia sẻ, yêu cầu hiện nay của doanh nghiệp sản xuất lốp xe và mua cao su Việt Nam đang dần ổn định và thuận lợi hơn, chủng loại cao su thiên nhiên: Tăng nhu cầu dàng SVR 10, chất lượng cao su thiên nhiên, ổn định, đúng tiêu chuẩn ISO/quốc gia; tăng chỉ số duy trì độ dẻo PRI; giảm độ bẩn… tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến những yêu cầu của thị trường hiện nay như: Sản xuất bền vững, không gây phá rừng, suy thoái rừng; Nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, truy xuất được; Không tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội; Giá cả, kinh doanh phù hợp với thị trường…
Tình hình sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong những năm qua. |
Cũng theo TS. Hoa, hành động của doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam hiện nay và ngành cao su Việt Nam cần phải chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên theo nhu cầu của thị trường; Đảm bảo tiêu chuẩn và ổn định chất lượng cao su thiên nhiên; Thực hiện giải pháp sản xuất cao su bền vững; Không trồng cao su trên đất rừng chuyển đổi; Tuân thủ luật pháp quốc gia và cam kết quốc tế của Việt Nam trong sản xuất cao su, bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với người lao động và xã hội; Nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh, xuất khẩu; Hướng đến đạt chứng nhận quốc gia và quốc tế về cao su thiên nhiên bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP. HCM cho biết, khó khăn của ngành cao su Việt Nam hiện nay là khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và các nhà lắp ráp tại Việt Nam; Hệ thống quản lý chưa tốt; Giá thành sản phẩm còn cao; Chất lượng không ổn định, đồng đều… Công nghiệp cao su là công nghiệp phụ trợ, tùy thuộc rất nhiều vào các nhà lắp ráp, máy móc… Nguyên liệu phải nhập khẩu; 2018 nhập cao su tổng hợp các loại 400,000 tấn, Carbon 180,000 tấn và tất cả hóa chất khác
Tuy nhiên ông Anh cũng cho rằng, tiềm năm của ngành cao su và nhựa vẫn còn nhiều, các doanh nghiệp FDI đang chuyển dịch các nhà máy cao su sang Việt Nam, đặc biệt các nhà máy lốp xe, bên cạnh đó cao su kỹ thuật có rất nhiều thị trường ngách; Các ngành công nghiệp dẫn đầu đang phát triển sẽ kéo theo ngành công nghiệp phụ trợ, thế mạnh lốp nông nghiệp, xe máy, xe đạp.
Bên cạnh đó ông Anh cũng cho rằng: ngành cơ khí phục vụ cao su nhựa của Việt Nam chưa mạnh, khâu thiết kế sản phẩm yếu, còn loay hoay trong công đoạn gia công; Chi phí thực hiện 4.0 cao và nhân công giá rẻ không còn là lợi thế dẫn đến chi phí sản xuất cao (Logistic, thuế…). Song ông cũng cho rằng ngành Cao su – Nhựa của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển thông qua làn sóng đầu tư thiết bị hiện đại chất lượng cao giá tương đối hợp lý, tiếp cận kỹ thuật mới thông qua các nhà cung cấp, nguồn nhân lực và các chuỗi cung ứng, sản xuất ngày càng tốt.
Rubber & Tyre Vietnam (Triển lãm & Hội thảo quốc tế ngành công nghiệp Cao su và Sản xuất Săm Lốp xe tại Việt Nam), cùng với RubberTech Vietnam và Plastech Vietnam (Triển lãm & hội thảo quốc tế về Máy, Thiết bị, Công nghệ và Vật liệu Ngành Nhựa tại Việt Nam), là chuỗi sự kiện thương mại, là điểm hẹn thường niên của giới chuyên môn và các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế trong ngành Cao su và Nhựa. Năm 2019, triển lãm đã đón trên 100 doanh nghiệp trưng bày và khoảng 6.000 lượt khách tham quan thương mại đến từ nhiều quốc gia. Kỳ triển lãm tiếp theo sẽ diễn ra từ ngày 17-19/06/2020 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh với khoảng 150 doanh nghiệp và 7.000 lượt khách tham quan thương mại. Tại triển lãm sẽ có “China Brand Show” (khu gian hàng thương hiệu Trung Quốc) do Cục Phát Triển Thương Mại, Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức. Các sản phẩm và công nghệ hướng đến tiêu chí “Hóa chất Xanh” trong ngành cao su và nhựa Trung Quốc sẽ được giới thiệu tại đây. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cao su Việt Nam nắm bắt, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài.