Theo dự kiến, trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động, Samsung CE Complex sẽ nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm tivi như SUHD TV, Smart TV, LED TV. Đại diện Samsung cho rằng đây sẽ là “một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng tivi toàn cầu của Samsung”.
Để đi đến dự án này, Samsung cho biết đã đàm phán với các cơ quan chức năng của Việt Nam và TP.HCM. Trước đây nhà đầu tư này đã có những dự án thành công ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Cho đến nay, các dự án của Samsung đều nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Chẳng hạn, Samsung CE Complex đã trở thành dự án thứ 7 của Samsung được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Thông thường, các doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm mới được xem xét và công nhận.
Theo thống kê, hiện cả nước có 34 doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan, trong đó Samsung có số lượng nhiều nhất.
Tuy nhiên, không chỉ trong lĩnh vực hải quan, trong một số lĩnh vực khác, Samsung cũng nhận được ưu đãi. Với các tổ hợp ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, các ưu đãi cho Samsung luôn ở mức kịch trần các quy định hiện hành của Chính phủ.
Samsung được ưu đãi hàng tỉ đô la nhưng thu thuế bà bán bún bò thì liệu có công bằng? |
Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này vẫn đang làm đầu mối của một Tổ công tác liên bộ chuyên về việc thu hút các dự án của Samsung. Tính đến cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư của Samsung đã là 12,6 tỷ USD và “nếu thuận lợi, đến hết năm 2017 tổng vốn đầu tư của Samsung có thể lên tới 20 tỷ USD”.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, hai khu tổ hợp của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh đã xuất khẩu 26,3 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho hơn 100.000 lao động.
Nếu không tính dầu khí, Samsung hiện là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam, và trong vòng 5-10 năm tới, có lẽ vị trí này khó bị thay đổi. Samsung cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cho sự phát triển của ngành điện tử một cách thực chất hơn nữa; hiện giờ doanh nghiệp Hàn Quốc này chỉ nhập linh kiện, lắp ráp sản phẩm và xuất khẩu.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ Việt Nam mong muốn tập đoàn Samsung góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực điện tử, gia dụng. Đồng thời, tập đoàn này sẽ hiện thực hóa các cam kết, không chỉ về các chỉ tiêu kinh tế mà về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và môi trường.
Trong khi đó, ông Jongjo Kim, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung, cho biết Việt Nam không chỉ là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn mà đã “thực sự trở thành một ngôi nhà của Samsung”.
Một thỏa thuận về việc đầu tư nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 với vốn đầu tư khoảng 2,45 tỷ USD cũng đã được tập đoàn Samsung ký kết với Bộ Công thương. Một dự án đáng chú ý khác là dự án Tổ hợp nhà máy đóng tàu Cam Ranh, dự kiến quy mô 2,6-2,8 tỷ USD, cũng đang được hai công ty con của Samsung xúc tiến.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi Việt Nam có chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, Samsung cho biết sẽ xin nghiên cứu tham gia đầu tư một số hạng mục như xây dựng nhà ga, cung cấp dịch vụ vận hành sân bay.