Biết kiếm tiền từ khi còn là sinh viên Học viện Ngân hàng, liên tục cho ra đời 4 cơ sở kinh doanh khác nhau: Studio, xưởng may, công ty truyền thông và quán cafe FA độc đáo, Huỳnh Văn Khải đã khiến nhiều người nể phục. Nhớ lại câu chuyện khởi nghiệp, Khải chia sẻ, Alone Coffee không phải dự án khởi nghiệp đầu tiên của mình. Khi còn là sinh viên năm 2 Học viện Ngân Hàng, Khải đã cùng các bạn lập một nhóm truyền thông online, chuyên cung cấp giải pháp marketing cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm sau này đã phát triển thành công ty riêng và hiện vẫn đang hoạt động tốt. Cũng trong năm đó, Khải mở thêm một studio chụp ảnh cho trẻ con. Studio cũng phát triển thành 4 chi nhánh ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
|
Alone Coffee – mô hình khởi nghiệp không giống ai của chàng trai Huỳnh Văn Khải. |
Đến khoảng tháng 7/2016, vừa điều hành cả hai mô hình trên, Khải vừa mở thêm một quán cà phê cún tại khu vực Hà Nội. Quán hoạt động tương đối ổn nhưng vì bận bịu một số công việc cá nhân, Khải đành nhượng lại cho người khác.
Xuất phát từ nhu cầu muốn được giao lưu, kết bạn của bản thân, kết hợp với ý tưởng đã có sẵn trong đầu, Huỳnh Văn Khải đã nghĩ ra ý tưởng kinh doanh không giống ai: “Cafe với người lạ”. Khai trương từ tháng 11/2016, mô hình này đang tạo nên “cơn sốt” khiến chủ các quán cafe kinh doanh theo kiểu truyền thống “đứng ngồi không yên”. Không chỉ thế, trang Fanpage của quán trên mạng xã hội Facebook thu hút được hơn 20.000 lượt quan tâm. Đối tượng đến với quán này chủ yếu là các bạn trẻ, nam tuổi từ 17 – 25, nữ tuổi từ 17 – 30. Thậm chí có cả những phụ nữ ngoài 30 tuổi tìm đến đây để kết bạn với mong muốn thoát khỏi nỗi buồn, sự cô đơn, nhàm chán của cuộc sống hiện tại. Alone Coffee có mô hình khá độc đáo với 3 khu dành cho các đối tượng khác nhau. Đặc biệt nhất là khu ghép đôi, nơi gắn kết những con người xa lạ... Có mục sở thị quán cafe độc đáo này mới thấy được rằng người sáng tạo ra nó quả thực... “không bình thường”.
Những ngày đầu khai trương, Alone Coffee thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải. Đặc biệt vào các dịp lễ tết, các ngày cuối tuần hoặc buổi tối, ba khu vực với dung lượng chứa lên tới 100 người dường như không đủ để đón tiếp toàn bộ khách hàng.
Xác định giới trẻ có đặc điểm bắt trào lưu nhanh nhưng quên đi trào lưu cũng rất nhanh, Khải liên tục tạo sự đổi mới để giữ chân khách hàng. Không chỉ thay đổi menu đồ uống, anh còn tổ chức nhiều hoạt động bên ngoài như tặng gấu bông cho các cặp ghép đôi thành công, xem bài tarot miễn phí hoặc tặng đồ uống cho các cặp đến quán hẹn hò lần 2, lần 3… Với số vốn đầu tư khoảng 600 triệu ban đầu, đến nay mô hình của Khải đã bắt đầu có lãi. “Hiện nay, trung bình mỗi tháng quán đón hơn 300 khách, cho doanh thu vài trăm triệu đồng”, Khải tiết lộ.
|
Alone Coffee nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều bạn trẻ. |
Nhưng để có được những thành quả đó, với Khải không phải là một chuyện dễ dàng. Khải thừa nhận khó khăn lớn nhất của không chỉ bản thân mình mà với nhiều bạn trẻ khác khi khởi nghiệp là vốn ít, chưa có kinh nghiệm quản lý nhân sự, dễ bị chủ nhà lật kèo và chưa thực sự hiểu hết các quy định của pháp luật về thuế, việc đăng ký kinh doanh… Một khó khăn nữa theo Khải là nhiều bạn trẻ lười, ngại giao lưu, kết bạn với người lạ. Nhân viên của quán phải ra sức thuyết phục họ mới chịu trải nghiệm khu kết bạn. Cùng với đó, tạo ra trào lưu mới thu hút giới trẻ đã khó, để giữ chân được họ lại càng khó hơn. Do vậy, Khải phải luôn nghĩ ra chiêu mới để hút khách.
Với mô hình lạ này, Khải đặt mục tiêu doanh thu 300 – 350 triệu đồng/tháng, sau 3 – 4 tháng có thể thu hồi vốn với lượng khách 150 người/ngày. Tuy vậy, cậu chủ cũng thừa nhận hiện tại mới chỉ có đồ uống khó có thể giữ chân khách lâu dài. Cùng với mục tiêu trong năm 2017 là tiếp tục mở thêm 2 chi nhánh tại Hà Nội và nhượng quyền thương hiệu để mở rộng ra các tỉnh. Tới đây, Khải sẽ mở rộng các chuỗi studio, chuỗi quán cafe và mở một dự án mới về khách sạn và du lịch. “Xu hướng mới là cơ hội thương hiệu mới phát triển. Em tin là có thể bắt kịp được hướng đi này”, cậu chủ trẻ tâm sự.
Chia sẻ về start up trong kinh doanh cà phê, Khải bảo, trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình, hãy tự đặt ra nhiều câu hỏi như: Cửa hàng của các bạn có gì? Tại sao họ đến quán mình và không đến quán khác? Đối thủ hiện đang làm gì, chúng ta có gì để học hỏi và nên tránh? Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất vẫn là xác định giá trị cốt lõi. Theo Khải vấn đề này nghe có vẻ lý thuyết nhưng giúp người kinh doanh hiểu rõ mô hình sẽ có gì khác biệt, mang lại giá trị gì cho khách hàng và xã hội.