Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Theo nội dung thông tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng thương mại sẽ căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho từng bên mua hoặc gửi chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua theo thỏa thuận.
Sau đó, phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Theo Thông tư số 11, số tiền bảo lãnh tối đa một dự án nhà ở hình thành trong tương lai bằng tổng số tiền chủ đầu tư ứng trước bên mua. Ảnh: Tiểu Thúy
Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.
Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại điều 57 luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được quy định: số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng được xác định chính bằng số tiền thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
Một số nội dung đáng chú ý khác liên quan đến việc bảo lãnh được quy định trong Thông tư 11 bao gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có); trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư 11 nhằm hoàn thiện khung pháp lý, vừa đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Mục đích ban hành thông tư này cũng nhằm khắc phục những vấn đề còn bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời vẫn phải đảm bảo hiệu quả, an toàn, thông suốt hoạt động bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về một số nội dung cụ thể trong Thông tư 11, khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.
Thông tư 11 cũng quy định số dư bảo lãnh đối với một khách hàng, hoặc một khách hàng và người có liên quan bao gồm số dư phát hành cam kết bảo lãnh, số dư phát hành cam kết bảo lãnh đối ứng, số dư phát hành cam kết xác nhận bảo lãnh cho khách hàng, khách hàng và người có liên quan.
Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023.