Gần 500 dự án sẽ bị thu hồi
Kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Đồng Nai (khóa X, kỳ họp thứ 5, tháng 12/2021) “nóng rực” không phải vì đại dịch Covid-19, mà liên quan đến việc rà soát lại các dự án còn “đắp chiếu”, rồi đưa vào nghị quyết HĐND tỉnh trong kỳ họp này để thông qua và triển khai sớm, trong năm 2022.
Theo Nghị quyết HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện thu hồi các dự án và đánh giá kết quả, báo cáo HĐND tỉnh như quy định. Bảo đảm việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quá trình triển khai thực hiện thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, đề nghị thực hiện đúng quy trình, dân chủ, công khai và có sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng người dân khiếu nại tố cáo...
Trong nỗ lực “cơ cấu lại” các dự án khả thi, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cùng với quyết tâm hồi sinh những “thành phố ma”, Quyết nghị của HĐND tỉnh Đồng Nai đã đưa vào danh mục thu hồi 475 dự án, với tổng diện tích 5.375,61ha. Đây là những dự án chưa hoặc chậm triển khai. Bên cạnh đó, Quyết nghị này cũng hủy bỏ danh mục 331 dự án thu hồi đất, với tổng diện tích 4.584,4ha.
Trước đó, theo tổng hợp của Sở TN-MT thì danh mục thu hồi đất năm 2022 gồm 349 dự án, với tổng diện tích 5.356ha và diện tích cần thu hồi khoảng 4.146ha. Các dự án nói trên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, công trình thủy lợi, khu dân cư phục vụ tái định cư, dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư theo quy hoạch...
Trong số này có nhiều dự án được các địa phương đưa vào danh mục đã được HĐND tỉnh thông qua từ 3 năm trở lên; Có dự án đã ban hành quyết định thu hồi đất hoặc đang thực hiện thủ tục thu hồi đất, chưa thực hiện nhưng vẫn muốn tiếp tục chuyển tiếp để triển khai.
Tại cuộc họp, một số ý kiến của đại diện các sở ngành cho rằng, những dự án đưa vào danh mục năm 2022 phải đảm bảo vẫn còn thời gian thực hiện theo quy định, những dự án đã quá 3 năm rà soát lại, loại bỏ bớt vì theo quy định dự án quá 3 năm không triển khai phải thu hồi, nếu không thu hồi cũng tự hết hiệu lực. Nếu dự án đã quá 3 năm nhưng đang thực hiện thủ tục thu hồi đất, có quyết định thu hồi đất đưa vào danh mục thực hiện 2022, thì các địa phương phải có giải trình rõ ràng, cụ thể với HĐND tỉnh.
Cùng với đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo vừa các địa phương phải rà soát lại tất cả các dự án đề xuất đưa vào danh mục năm 2022, một lần nữa nếu quá thời hạn không thể triển khai được thì bỏ ra, tránh đưa vào danh mục cũng sẽ bị HĐND tỉnh loại. Các dự án đưa vào danh mục của năm tới phải nằm trong danh sách đầu tư công của địa phương, của tỉnh để làm được, tránh đưa vào nhiều nhưng lại không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Một góc thành phố mới Nhơn Trạch
Xóa bỏ “thành phố ma”…
Trong đợt “thanh lọc” dự án thu hồi đất trên diện rộng này, nhằm không để phát sinh thêm những “thành phố ma” và bảo đảm chiến lược đô thị phát triển đúng hướng, tỉnh Đồng Nai đã rất quyết tâm. Lượng dự án chủ yếu tập trung nhiều ở các địa phương như: Biên Hòa (68 dự án), Vĩnh Cửu (41 dự án), Thống Nhất (11 dự án), Trảng Bom (17 dự án), Định Quán (14 dự án), Long Thành (61 dự án), Nhơn Trạch (37 dự án)…
Có thể kể đến một số dự án còn đang “đắp chiếu” ở huyện Nhơn Trạch như: Dự án lập quy hoạch chi tiết khu dân cư tại xã Phước An; Dự án khu thương mại dịch vụ tại xã Phước Thiền; Dự án khu dân cư tại xã Phú Hội; Dự án khu dân cư thương mại tại xã Long Tân và xã Phú Hội…
Điển hình nhất vẫn là Dự án khu chợ và dân cư Dân Xuân tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch do công ty Cổ phần Bất động sản Dân Xuân làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất đợt 1, với diện tích 13,6 ha, thời gian hoạt động dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự án 6 năm (từ 2010 - 2016) và được gia hạn đến năm 2018. Tuy nhiên đến nay, công ty này vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong, chưa triển khai xây dựng dự án.
Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Kế hoạch – Đầu tư rà soát hồ sơ của dự án này để xử lý dứt điểm.
Nhớ lại khoảng 25 năm trước, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng thành phố Nhơn Trạch sẽ là một “điển hình” phát triển nhanh chóng ở khu vực phía Đông Sài Gòn, nhờ lợi thế giáp ranh TP Hồ Chí Minh. Ngay khi chủ trương thành phố mới Nhơn Trạch được thông qua, chính quyền Đồng Nai đã kêu gọi đầu tư thành lập hàng loạt khu công nghiệp. Cùng với đó là hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ, để mời gọi các doanh nghiệp bất động sản vào đầu tư, phát triển rầm rộ. Dù vậy, thành phố mới Nhơn Trạch vẫn chưa thể về đích.
Riêng các khu đô thị mới được xây dựng ồ ạt, những căn nhà phố, biệt thự đã có chủ nhưng vẫn vắng bóng người ở. Nhiều căn nhà gần 20 năm qua vẫn thiếu “hơi thở cuộc sống”, trở nên hoang tàn, nên người dân vẫn thường gọi là “thành phố ma”.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc hoang vắng này là do các khu đô thị mới đều nằm tách biệt xa trung tâm hành chính, thiếu kết nối hạ tầng, khu dân cư thiếu dịch vụ tiện ích và các công trình xã hội như: Chợ, đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện...
Nhưng đến nay, sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Dự án đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 91km, đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng đã sẵn sàng. Điểm đầu dự án giao với đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Sắp tới, hàng loạt hạ tầng tiện ích như: Chợ, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… sẽ được hoàn thành để phục vụ cư dân tại huyện Nhơn Trạch.
Việc rà soát lại các dự án chưa hoặc chậm triển khai là cần thiết và kịp thời. Đó sẽ là cơ sở để tỉnh Đồng Nai tập trung mọi nguồn lực, để hoàn thiện các dự án khả thi và làm “điểm tựa” cho chiến lược phát triển đô thị, trong đó có thị trường bất động sản.
Như vậy, tỉnh Đồng Nai sẽ không còn “thành phố ma” nữa.