Hội thảo được tiến hành dưới hình thức kết hợp tại chỗ và trực tuyến qua video giữa TP Hồ Chí Minh và bốn thủ đô Bắc Âu. Mục đích chính của hội thảo là tạo điều kiện và thúc đẩy trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và các bài học thành công giữa các nước Bắc Âu và Việt Nam trong phát triển đô thị theo hướng xanh, sáng tạo và bền vững. Trong hai mươi năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và ấn tượng cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam đã dẫn đến những thách thức nghiêm trọng mà các thành phố phải đối mặt như ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, các vấn đề về quản lý nước và chất thải và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hội thảo được tiến hành dưới hình thức kết hợp tại chỗ và trực tuyến qua video giữa Thành phố Hồ Chí Minh và bốn thủ đô Bắc Âu
“Các nước Bắc Âu chúng tôi rất tự hào được là những người bạn lâu năm và những người hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam. Trọng tâm hiện nay là chuyển đổi sang phát triển xanh hơn và bền vững. An ninh kinh tế phải đi đôi với an ninh xã hội và môi trường. Trong thập kỷ vừa qua, thủ đô của các nước Bắc Âu bao gồm Copenhagen, Helsinki, Oslo và Stockholm đã đưa ra những quyết định chính trị và hành chính táo bạo để giải quyết các thách thức về đô thị hóa, biến đổi khí hậu và môi trường. Chúng tôi rất vui khi được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đúc kết từ các nước Bắc Âu và hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm này sẽ hữu ích và truyền cảm hứng cho các đối tác và bạn bè Việt Nam quá trình nỗ lực lãnh đạo đưa đất nước và các thành phố của Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển xanh và bền vững”, phát biểu của Đại sứ các nước Bắc Âu tại Việt Nam.
Từ góc độ tăng trưởng TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ấn tượng, song những động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư cao và lao động giá rẻ đang dần cạn kiệt. Trong thập niên kế tiếp, chắc chắn phát triển đô thị sẽ là một động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Thách thức của đô thị hóa ở Việt Nam là làm thế nào để gia tăng năng lực cạnh tranh của đô thị nhưng vẫn kiểm soát được các ngoại tác tiêu cực như ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông, đồng thời ứng phó hiệu quả với 2 thiên tai và biến đổi khí hậu để các đô thị thực sự là nơi đáng sống và an toàn. Tôi tin rằng ‘hồi phục xanh’ phải trở thành kim chỉ nam cho chiến lược và chính sách phát triển đô thị nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Kinh nghiệm phong phú của các nước Bắc Âu về đô thị hóa, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là nguồn tham khảo hết sức quý báu cho Việt Nam trong quá trình thực hiện chiến lược này.”
Đại sứ các nước Bắc Âu phát biểu tại hội thảo
Về thành tựu ‘tăng trưởng xanh’ của các thủ đô Bắc Âu, trong đó: Copenhagen đặt mục tiêu trở thành thủ đô carbon trung tính đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Theo dự báo, dân số của thành phố sẽ tăng 20% trong thập kỷ tới. Điều này mở ra cơ hội để thành phố chứng minh rằng việc kết hợp tăng trưởng, phát triển, đổi mới, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống với mức phát thải CO2 thấp hơn là hoàn toàn khả thi. Copenhagen đưa ra Kế hoạch Khí hậu đầu tiên của mình vào năm 2009 và đã đạt được mức giảm phát thải CO2 đáng kể. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách môi trường quan trọng như không khí sạch, giảm tiếng ồn, nước uống từ vòi và không gian xanh giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân một cách đáng kể.
Helsinki là thành phố đầu tiên ở Châu Âu tiến hành Rà soát Địa phương Tự nguyện nhằm đánh giá mức độ phù hợp giữa chiến lược của thành phố và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Rà soát Địa phương Tự nguyện cho thấy các kế hoạch chiến lược của thành phố được xây dựng phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Ví dụ, Quy hoạch Thành phố Helsinki, được phê duyệt trong năm 2016, xác định hướng đi rõ ràng và bền vững cho sự phát triển của thành phố trong khoảng 30 năm tới. Mục tiêu bao gồm đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận mọi khu vực của thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Đi bộ và đi xe đạp sẽ được ưu tiên hàng đầu, và cấu trúc đô thị của thành phố phải cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ hàng ngày một cách thuận tiện. Cấu trúc đô thị tập trung và giao thông bền vững đóng vai trò quan trọng trong các mục tiêu tham vọng về khí hậu của Helsinki. Mục tiêu của Helsinki là trở thành thành phố carbon trung tính vào năm 2035.
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của các nước Bắc Âu cho Việt Nam trong quá trình phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Oslo đã đặt ra các mục tiêu tham vọng giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2020, Oslo đã thông qua chiến lược khí hậu mới với mục tiêu chính là tới năm 2020 giảm lượng phát thải của Oslo xuống còn 50% và năm 2030 còn 5% so với mức phát thải của năm 1990, không phải thông qua hình thức mua hạn ngạch khí thải mà bằng cách thực hiện các biện pháp thực sự cắt giảm lượng khí thải. Năm 2017, lần đầu tiên thành phố có một ngân sách dành riêng cho các hoạt động khí hậu và đó là một công cụ quản trị mang tính đột phá. Ngân sách khí hậu là phương tiện hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc xác định những lĩnh vực nào cần cắt giảm phát thải và ai là người chịu trách nhiệm, chẳng hạn như giao thông công cộng và xây dựng.
Năm 2010, Stockholm được vinh danh là Thủ đô Xanh châu Âu đầu tiên, nhờ vào những kết quả đạt được trong cắt giảm lượng khí thải carbon và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Năm 2016, Stockholm đã thông qua mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2040. Từ năm 1990 đến nay, thành phố đã cắt giảm 50% lượng khí thải carbon trên mỗi người dân. Đầu tháng 10 năm 2019, Stockholm khởi động sáng kiến có tên gọi “Thỏa thuận Xanh toàn cầu mới” của C40 (mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới). Sáng kiến này nhằm tập hợp những thành phố sẵn sàng 3 giảm lượng khí thải carbon phù hợp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C được đề ra trong Thỏa thuận chung Paris. Quá trình chuyển đổi sang đô thị xanh và bền vững ở thủ đô các nước Bắc Âu nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm và tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn và cách tiếp cận đa bên. Do đó, sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách địa phương, các cơ quan chính quyền đô thị, khu vực tư nhân, các tổ chức môi trường và khí hậu cũng như sự ủng hộ của người dân đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập các mục tiêu và thực thi chính sách.