Triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả với gần 600 chủng loại
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa bột xảy ra tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, TP trên toàn quốc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố 8 bị can về các hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị thu giữ để phục vụ điều tra. Ảnh: CAND
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng thành lập Công ty Rance Pharma và Hacofood Group, để sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay, các đối tượng sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm, từ 2021 đến nay, nhóm này đã tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng.
Thành phần sữa được công bố là: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất
Quá trình khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc, cảnh sát thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột. Trong đó có 26.740 lon của 90 lô sản xuất sữa, cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty Rance Pharma và Hacofood Group còn để ngoài số sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Cần làm rõ hành vi quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ, người nổi tiếng
Ngay sau thông tin vụ sản xuất gần 600 loại sữa bột giả bị triệt phá, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng như MC Vân Hugo, NSND Hồng Vân, diễn viên Lê Khánh, Cát Tường, Cao Minh Đạt… từng tham gia quảng cáo các dòng sữa đa công dụng hiện đang bị cộng đồng mạng réo tên.
Theo ghi nhận, trong phần lớn trong những video quảng cáo cho sản phẩm, các nghệ sĩ tham gia đều khẳng định là siêu phẩm sữa non tăng chiều cao số 1 hiện nay. Không chỉ thế, trên nhiều website quảng cáo các sản phẩm sữa bột này còn đăng tải nhiều video, hình ảnh, chia sẻ, lời cảm ơn của những người nổi tiếng sử dụng để quảng cáo, tăng độ uy tín cho sản phẩm.
Cơ quan chức năng xử phạt hành chính 25 triệu đồng, đồng thời bị yêu cầu cải chính thông tin và tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo sai lệch về sản phẩm HIUP 27. Tuy nhiên, trước đó, MC Vân Hugo từng nhiều lần tích cực quảng cáo cho sản phẩm này
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, quá trình điều tra vụ án sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối và xử lý đối với những người đã tiếp tay cho các hoạt động bán hàng giả này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hành vi quảng cáo gian dối, vi phạm luật quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người quảng cáo biết rõ đây là hàng giả, không đảm bảo chất lượng như đã công bố nhưng vẫn tiếp tay giúp sức cho hành vi bán hàng giả thì có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.
NSND Hồng Vân từng phải cúi đầu xin lỗi, thừa nhận thiếu trách nhiệm khi quảng cáo thực phẩm chức năng
Cụ thể, Điều 193 Bộ luật Hình sự quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù 2-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên… thì bị phạt tù 15-20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền 1-18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định…
Hàng trăm nhãn hiệu sữa bột giả:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Hàng trăm nhãn hiệu sữa giả này do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất đã bị Công an triệt phá, khởi tố vụ án và 8 bị can |