Thứ 6, 22/11/2024, 19:48 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vụ Asanzo nhập hàng nước ngoài gắn nhãn Việt Nam: Trách nhiệm không thuộc người tiêu dùng

Vụ Asanzo nhập hàng nước ngoài gắn nhãn Việt Nam: Trách nhiệm không thuộc người tiêu dùng
Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) Asanzo thực chất là hàng Trung Quốc “nguyên con” đã tạo nên một cơn “địa chấn” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Vụ Asanzo nhập hàng nước ngoài gắn nhãn Việt Nam: Trách nhiệm không thuộc người tiêu dùng

 TS kinh tế Đinh Thế Hiển.

Người chuyển từ tự hào, ủng hộ sang sốc nặng vì không hiểu vì sao lại có chuyện tày đình như vậy. Các nhà phân phối dỡ bỏ hàng Asanzo khỏi kệ hàng…

Chỉ trong một thời gian ngắn, một số thương hiệu đình đám là niềm tự hào của người Việt Nam bỗng một ngày hiện nguyên hình là hàng “Made in China” đội lốt hàng Việt Nam, niềm tin bao năm bị vỡ vụn trong phút chốc, chẳng còn có thể tin được cái mác HVNCLC hay sự chứng thực của không biết bao nhiêu cửa chức năng.

Chúng tôi tìm đến Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển trong nỗi niềm hoang mang tột độ và những câu hỏi trong đầu là còn bao nhiêu DN Việt Nam đang chờ ngày bị lộ? Niềm tin của Việt Nam, ủng hộ hàng hóa do người Việt Nam sản xuất có đang bị lạm dụng để làm giàu cho các ông chủ bất lương.

Sự đánh tráo khái niệm "Made in..."

Sau vụ Khải Silk bán lụa tơ tằm Việt Nam nhưng thực chất là lụa Trung Quốc, thậm chí không phải là lụa, giờ là hàng điện tử gia dụng Asanzo bị phát hiện là hàng Trung Quốc, ông có ngạc nhiên với sự thật này không?

- Trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, không nhà sản xuất công nghiệp nào sản xuất từ A đến Z. Chẳng hạn các hãng xe lớn, họ không sản xuất các chi tiết linh kiện, thậm chí là động cơ xe; mà họ sẽ chọn lựa đặt hàng các nhà sản xuất phụ kiện trong chuỗi cung ứng; các nhà cung ứng này đa phần chỉ thực hiện một số phụ kiện cho nhiều công ty sản xuất sản phẩm đầu cuối mà người tiêu dùng không biết đến; nhưng cũng có những nhà cung ứng có thương hiệu nổi tiếng như Samsung từng cung ứng các phụ kiện cho công ty HP, và có tên nhà sản xuất in trong linh kiện đó.

Tại Việt Nam, các công ty may mặc xuất khẩu thuộc nhóm sử dụng phụ kiện từ các công ty khác nhiều nhất; vấn đề là sản phẩm đầu cuối có thực sự có giá trị từ công ty đó sản xuất hay không còn tùy vào yếu tố cốt lõi tạo ra sản phẩm đó. Điều quan trọng là những giá trị sản phẩm do DN tạo ra không phụ thuộc vào các nhà cung ứng linh, phụ kiện và được người tiêu dùng nhận diện có giá trị và phong cách riêng để từ đó làm nên thương hiệu công ty; và nếu một quốc gia có nhiều công ty của mình được thế giới nhận diện đó là thương hiệu giá trị, thì các hàng sản xuất tại quốc gia đó (made in...) cũng sẽ được đánh giá cao đối với người tiêu dùng thế giới.

Giá tri cốt lõi của sản phẩm, được công nhận là sản phẩm của chính công ty đó rất đa dạng, nhưng thường xuất phát từ các bản quyền công nghệ, kiểu dáng được quốc gia và thế giới công nhận, mà nhiều khi công ty có thể không trực tiếp sản ra các linh kiện, phụ kiện của sản phẩm đó.

"Tôi nghĩ giá trị cốt lõi của một sản phẩm chính là hồn cốt của sản phẩm đó, điều đó mới tạo ra sự khác biệt, là sức sống của sản phẩm. Dù mang thương hiệu nào nếu không phù hợp nhu cầu, thị hiếu thì vẫn có thể bị đào thải.

DN có thể không giỏi sản xuất nhưng họ có quyền đặt hàng các nhà sản xuất, sản xuất cho họ các linh kiện theo tiêu chuẩn yêu cầu… Họ có quyền ghi Made in Vietnam miễn sao điều đó đúng quy định pháp luật và họ đóng thuế đầy đủ.

Đặc biệt, các linh phụ kiện bên trong có xuất xứ hãng nào, nước nào thì phải giữ nguyên không được bỏ mark đó để thay mác của công ty mình vào; đó là sự lừa dối khách hàng, và tất nhiên không được pháp luật cho phép. " - TS Đinh Thế Hiển

Thí dụ sản phẩm may mặc của Việt Tiến được xem là sản phẩm thực sự của họ dù Việt Tiến sử dụng nhiều phụ kiện của các đơn vị khác cung cấp, có thể là vải cho đến nút áo, mác..; như nhiều sản phẩm của Công ty Asanzo hiện nay thì giới chuyên môn cho rằng chỉ là sự gắn nhãn vào của sản phẩm từ Trung Quốc…

Trên thế giới, nhiều công ty với sản phẩm thương hiệu nổi tiếng của mình, nhiều khi họ chỉ thực hiện phần thiết kế, một số công nghệ chủ yếu tự sáng tạo hoặc chọn lựa mua từ các công ty công nghệ khác; còn phần thực hiện sản xuất giao cho công ty gia công và các công ty cung ứng linh phụ kiện; chúng ta có thể kể đến Apble, Nike, Toyota, Honda,..

Một chiếc xe Toyota lắp ráp ở Thái Lan hay Việt Nam thì hơn 80% linh phụ kiện được đặt mua từ các nhà cung ứng; còn hãng giày số 1 thế giới Nike, thì không cần trực tiếp sản xuất mà chỉ giám sát và giao cho các công ty gia công thực hiện theo mẫu mã và tiêu chuẩn của mình như giao Công ty Pouyuen tại Việt Nam. Tóm lại, nhìn sự việc dưới góc độ đó, một DN mua linh kiện, nguyên liệu là điều hết sức bình thương trong mô hình chuỗi cung ứng giá trị và bối cảnh toàn cầu hóa.

Vấn đề ở đây là trong câu chuyện của Khải Silk hay Asanzo được gắn nhãn là HVNCLC, tức là trong sự hiểu biết của người tiêu dùng thì các hàng hóa đó có giá trị cốt lõi từ công ty của Việt Nam, nhưng bỗng một ngày “hiện nguyên hình” là hàng Trung Quốc “nguyên con”, doanh nghiệp nhập về, gỡ mác của nhà sản xuất, gắn mác hàng sản xuất trong nước đó là sự lừa dối người tiêu dùng. Người tiêu dùng cảm thấy bị tổn thương, té ra mình mua ủng hộ hàng Việt Nam nhưng vô tình ủng hộ cho hàng nước khác.

Có một hiện tượng là có rất nhiều thương hiệu Việt Nam, sản xuất các mặt hàng mà trong đó là tập hợp các linh kiện nhập khẩu, vậy họ có thể nói rằng đó là hàng Made in Vietnam không, thưa ông?

- Tôi nghĩ giá trị cốt lõi của một sản phẩm chính là hồn cốt của sản phẩm đó, điều đó mới tạo ra sự khác biệt, là sức sống của sản phẩm. Dù mang thương hiệu nào nếu không phù hợp nhu cầu, thị hiếu thì vẫn có thể bị đào thải. DN có thể không giỏi sản xuất nhưng họ có quyền đặt hàng các nhà sản xuất, sản xuất cho họ các linh kiện theo tiêu chuẩn yêu cầu… Họ có quyền ghi Made in Vietnam miễn sao điều đó đúng quy định pháp luật và họ đóng thuế đầy đủ.

Đặc biệt, các linh phụ kiện bên trong có xuất xứ hãng nào, nước nào thì phải giữ nguyên không được bỏ mác đó để thay mác của công ty mình vào; đó là lừa dối khách hàng, và tất nhiên không được pháp luật cho phép. Khoảng năm 1990, lúc đó hãng HP rất nổi tiếng về máy in laser, được xem là hãng sản xuất tại Mỹ; nhưng một số linh kiện quan trọng ở trong như ống mực vẫn giử nguyên thông tin của đơn vị cung cấp Hàn Quốc (lúc đó chưa được đánh giá về công nghệ); điều này cho thấy các công ty lớn trên thế giới rất tôn trọng về thông tin sản phẩm.

Hiện nay ai cũng biết Iphone được sản xuất tại Trung Quốc, nhiều phụ kiện ở trong được mua của các hãng khác, nhưng người tiêu dùng vẫn hiểu rằng đó là sản phẩm của hãng Apble (Mỹ); điều đó cho thấy giá trị cốt lõi của sản phẩm là rất quan trọng đối với thương hiệu công ty và với người tiêu dùng.

Hàng hoá có gắn mác Made in Việt Nam, Made in Korea…. chỉ dẫn địa lý quốc gia có giá trị gì trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, thưa ông?

- Made in Vietnam, Made in Korea… đó là chỉ dẫn địa lý của hàng hoá nó mang một ý nghĩa nhất định. Chưa bàn đến thuế quan, chỉ dẫn địa lý trước hết nó thể hiện là nơi sản xuất cuối cùng của một mặt hàng. Trong cách thức của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay thì chỉ dẫn địa lý chưa chắc. Iphone, dù có sản xuất ở Trung Quốc thì đó vẫn là hàng Mỹ, công nghệ cốt lõi của Mỹ.

Made in… không thể nói đó là hàng của quốc gia này hay của quốc gia khác nhưng chắc chắn mặt hàng đó thuộc về công ty nào đó và công ty đó chắc chắn sẽ thuộc quốc gia nào đó, sản phẩm đó thuộc về sự sáng tạo của công ty đó. Hiện nay ai cũng biết Iphone được sản xuất tại Trung Quốc, nhiều phụ kiện ở trong được mua của các hãng khác, nhưng người tiêu dùng vẫn hiểu rằng đó là sản phẩm của hãng Apble Mỹ.

Điều đó cho thấy giá trị cốt lõi của sản phẩm là rất quan trọng đối với thương hiệu công ty và với người tiêu dùng. Iphone, Samsung dù được sản xuất ở Viet Nam hay Trung Quốc thì người ta vẫn luôn tin rằng Iphone là hàng của Mỹ và Samsung là của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Made in… có mang giá trị như một tiêu chuẩn được bảo vệ. Chẳng hạn, cùng sản phẩm rượu, mỹ phẩm nếu được sản xuất ở Pháp rõ ràng được đánh giá cao hơn các nước châu Á (trừ Nhật). Vì sao hàng hóa sản xuất được đánh giá cao hơn bởi đơn giản là môi trường tốt hơn, công tác chống hàng gian, được đánh giá cao hơn, thực chất cao hơn…

Thương hiệu quốc gia, không phải gắn với sản phẩm, mà phải là tiêu chuẩn sản xuất, tiêu dùng. Chúng ta hay nghe nói tiêu chuẩn Euro, đơn giản là ở châu Âu họ đặt ra những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, độ an toàn cho người sử dụng… cao hơn những nơi khác. Hàng hóa được sản xuất ở châu Âu mặc nhiên sẽ có chất lượng tốt hơn, người tiêu dùng không cần phải thắc mắc.

Vụ Asanzo nhập hàng nước ngoài gắn nhãn Việt Nam: Trách nhiệm không thuộc người tiêu dùng

 Trên thị trường hiện nay đa dạng các nhãn hiệu hàng điện máy. Ảnh: Chiến Công

Thương hiệu quốc gia chính là tiêu chuẩn sử dụng đối với hàng hóa, người tiêu dùng không có gì phải lo lắng. Tại sao chúng ta qua Nhật Bản và chúng ta tin là hàng hóa lưu thông trên thị trường có chất lượng tốt hơn ở những quốc gia khác?

Đơn giản là hàng tiêu dùng phục vụ nội địa của Nhật Bản có luôn chất lượng tốt hơn hàng xuất khẩu. Thực phẩm của Nhật Bản bán rất đắt nhưng vẫn bán được vì người tiêu dùng tin rằng của Nhật Bản là an toàn…

Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thế nhưng tai sao cùng một mặt hàng nhưng hàng Made in China chắc chắc sẽ không có giá cao bằng hàng Made in Korea. Khi các quốc gia tạo dựng được thương hiệu thì toàn bộ người dân được hưởng lợi, cộng đồng DN dễ làm ăn hơn, dân cường thì nước mạnh, lẽ dĩ nhiên Hàn Quốc là quốc gia được hưởng lợi.

Ở Mỹ thì có nhiều quy định về nhãn hàng hóa, mỗi loại nhãn đều có một ý nghĩa riêng. Người tiêu dùng chỉ cần nhìn vào là biết đó là hàng sản xuất hay là hàng đóng gói ở Mỹ hoặc là sản phẩm của Mỹ…

Nói tóm lại, chỉ dẫn địa lý quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay có một ý nghĩa tương đối và tuỳ vào từng mặt hàng. Đối với những mặt hàng có tính toàn cầu thì chỉ dẫn địa lý quốc gia chỉ mang tính là nơi sản xuất, cũng có những mặt hàng chỉ dẫn địa lý quốc gia hàm ý của chất lượng…

Việt Nam có ưu thế về hàng nông sản, nhiều nông sản như cá da trơn, trái cây xoài cát, vải thiều thuộc loại đứng đầu thế giới. Nếu chúng ta làm tốt về bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường xanh sạch, thì chính thông tin đó sẽ giúp tăng giá trị nông sản Việt Nam lên rất nhiều như Nhật, New Zeland đã làm được, và một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc đang tiến hành.

Đó chính là thương hiệu quốc gia tốt nhất, giúp cho các công ty sản xuất hàng Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất, chứ không phải việc phong tặng cho một sản phẩm của công ty nào đó danh hiệu thương hiệu quốc gia, nhưng không lan tỏa vào nhận thức người tiêu dùng thế giới để họ chấp nhận mua với giá tốt hơn.

Tăng cường vai trò của cơ quan chức năng

Thưa Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, lúc nãy ông có nhắc đến rượu vang của Pháp, làm thế nào người Pháp bảo vệ được danh tiếng rượu vang của mình?

- Câu chuyện rượu vang mang thương hiệu vang Bordeaux được giữ gìn, phát huy là cách làm hay cần học hỏi. Khi các nhà sản xuất rượu vang Bordeaux thấy nhiều nơi sản xuất rượu vang tùm lum, đánh lận con đen vang Bordeaux lừng danh của Pháp, họ đã thành lập hiệp hội rượu vang Bordeaux, chỉ những người sản xuất rượu vang từ nho vùng Bordeaux mới được ghi logo Bordeaux; nho qua bên kia ranh giới, dù cách vài trăm mét, cũng không được sử dụng logo Bordeaux; đó là cách thức các hiệp hội giữ vững chất lượng, và tính chân thật của sản phẩm, và do đó mới tạo được sự bền vững ích lợi chung cho nhà sản xuất và cho quốc gia...

Vụ Asanzo nhập hàng nước ngoài gắn nhãn Việt Nam: Trách nhiệm không thuộc người tiêu dùng

 Hệ thống Trung tâm điện máy Nguyễn Kim đã thông báo cho phép người tiêu dùng 'lỡ' mua ti vi Asanzo được đổi sang các nhãn hiệu ti vi khác.

Việt Nam chúng ta có rất nhiều sản phẩm hàng hoá nổi tiếng trong nước cũng như ở thị trường nước ngoài. Thị trường trong nước, những sản phẩm truyền thống liên quan đến hàng ngày như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nam Ô, nước mắm … Ở thị trường quốc tế, Việt Nam nổi tiếng với cá tra, cá basa… Để bảo vệ được những sản phẩm này cần một sự kiên định của các nhà sản xuất cũng như vai trò quan trọng của các hiệp hội.

Chẳng hạn, đối với sản phẩm là nước mắm Phú Quốc nó giống như câu chuyện của rượu vang Bordeaux. Hiệp hội những nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc phải là nơi đặt ra các tiêu chuẩn như thế nào mới là nước mắm Phú Quốc từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất… Chỉ những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất, nguyên liệu… thì mới được gắn logo là nước mắm Phú Quốc. Rất tiếc là chúng ta chưa làm được điều mà người Pháp đã làm để bảo vệ thương hiệu chung là rượu vang Bordeaux.

Tương tự, chúng ta thấy con cá basa, cá tra Việt Nam đã đi ra châu Âu qua Mỹ nhưng thực tế vẫn còn là một câu chuyện rất dài. Các nhà sản xuất, sản xuất cùng mặt hàng đấu đá nhau, cạnh tranh nhau… điều này làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung của con cá basa và cá tra. Nếu chúng ta có một hiệp hội đủ mạnh, các hội viên tuân thủ và có một tầm nhìn chung thì thương hiệu cá tra, cá basa của Việt Nam sẽ đi xa.

Trở lại câu chuyện hàng hóa Made in Vietnam, chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng, có nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng tại sao những câu chuyện như Khải Silk hay Asanzo vẫn xảy ra và đâu là giải pháp?

- Một khẩu hiệu quen thuộc mà chúng ta hay nghe đó là hãy là người tiêu dùng thông minh, theo tôi việc này không ổn chút nào cả. Chúng ta có cảnh sát kinh tế, có quản lý thị trường… Hàng hoá lưu thông trên thị trường đã trải qua không biết bao nhiêu cửa quản lý. Khi có một vụ việc như Asanzo chúng ta sẽ nghe đến những lý do nhưng hành lang pháp lý chưa đầy đủ, lực lượng mỏng...

Theo tôi tất cả những điều đó chỉ đúng một phần, hệ thống pháp luật và đội ngũ thi hành tôi nghĩ không chỉ đủ mà thậm chí còn quá nhiều, thậm chí là chồng chéo. Vấn đề theo tôi là câu chuyện nghiêm túc hay không nghiêm túc xử lý hàng gian, hàng giả…

Ở Mỹ, trong điều kiện thiên nhiên rộng lớn như vậy nhưng khi đi câu, có vùng quy định mỗi người chỉ được câu 3 con cá, kích cỡ tối thiểu được bắt mang về là bao nhiêu… Không thể có đủ lực lượng để giám sát, và lực lượng có nhiệm vụ cũng không cần thường xuyên giám sát, vì họ sử dụng tốt việc giám sát của người dân quanh vùng.

Một người câu cá sai quy định, xác suất rất cao là người câu gần đó phát hiện, và họ chỉ cần gọi cho số phone phụ trách việc này, sau đó người vi phạm đã bị lập biên bản, phạt năng. Chính sự sử dụng lực lượng giám sát của người dân và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả là cơ chế tốt nhất, thay cho cứ phải tăng biên chế, tăng những luật lệ, nhưng việc thực thi lại thiếu trách nhiệm. Trở lại vụ Asanzo, có một số người nhận định có khác vụ Khải Silk, do Asanzo sản xuất hàng rẻ cho người bình dân.

Tất nhiên, Asanzo cũng như nhiều DN khác đang nỗ lực hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu người lao động là hướng đúng của kinh tế thị trường; nhưng một góc độ quan trọng khác, kinh tế thị trường hiệu quả, phải bảo đảm cho các DN sáng tạo, sản xuất kinh doanh đúng phát luật được phát triển, thì nền kinh tế mới phát triển bền vững, mới vươn lên khỏi quốc gia trung bình để người dân có được mức sống tốt như các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan đã làm được. Điều đó cần phải bắt đầu bởi một môi trường kinh doanh lành mạnh, của một nền kinh tế thị trường cạnh tranh phát triển.

Thực tế hiện nay môi trường kinh doanh của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kinh doanh trốn thuế. Nhà sản xuất đàng hoàng, không chỉ nhức đầu với việc kinh doanh mà còn phải lo cả việc chống , hàng giả. Hàng gian, hàng giả nhan nhản, thậm chí được tôn vinh, DN làm hàng gian, hàng giả ngang nhiên tồn tại.

Việc bắt người tiêu dùng thông minh tự nhận biết hàng gian, hàng giả là một nhận định không đúng; là một công dân đóng thuế, họ có quyền yêu cầu chính quyền phải bảo đảm hàng hóa bán ra phải đúng , đúng thông tin. Đây phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề. Khi vì một lý do nào đó các lực lượng chức năng không thể làm tốt nhiệm vụ như quy định thì hàng gian, hàng giả như kiểu Khải Silk, Asanzo vẫn sẽ tái diễn.

Xin cảm ơn ông!

Tags:
3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.58722 sec| 916.273 kb