Dù Bộ Y tế đã ra văn bản thu hồi sau 2 ngày công bố danh sách, nhưng 12 sản phẩm thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được quảng cáo như một loại thuốc phòng và điều trị Covid-19 đã tung hoành, làm mưa làm gió trên thị trường.
12 loại thuốc trên có sản phẩm như: Hoạt huyết Nhất Nhất, viên nang Kovir, Nobel, viên nang Imboot, siro Ngân Kiều, vệ khí khang… Đáng chú ý có viên nang Kovir của Công ty Sao Thái Dương ghi rõ là phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch; Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh) của Công ty CP Sao Thái Dương... Ngoài ra còn có thêm một sản phẩm khác của DN này được đưa vào là Nano bạc Thái Dương dùng để sát khuẩn tay. Thậm chí, Sao Thái Dương còn quảng bá "sản phẩm được nghiên cứu tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương".
Trước đó, 1 hộp viên nang cứng Kovir tại các cửa hàng thuốc chỉ dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/hộp nhưng sau vài ngày đã có giá tới 1 triệu đồng/hộp; giá 1 hộp Nobel chỉ 300.000 đồng/hộp đã đẩy lên tới 1,25 triệu đồng/hộp, nhiều loại thuốc khác cũng bị đẩy giá chóng mặt, thậm chí lên gấp 5 - 10 lần. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức căng thẳng thì thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Công ty Sao Thái Dương quảng cáo đã làm người tiêu dùng đổ xô đi mua bất chấp việc giá thuốc đã bị đội giá cao.
Sau khi bán ra hơn 20.000 hộp Kovir, trong đó viên nang giá 1 triệu đồng/hộp, sản phẩm này đã lặng lẽ “biến mất” trên website của Sao Thái Dương. Hiện, tìm trên trang web chính thức của công ty này, sản phẩm Kovir và Nobel tăng cường miễn dịch đều không thấy xuất hiện. Trong danh mục "Sản phẩm bán chạy" cũng không thấy tên của 2 sản phẩm hot này. Động thái trục lợi của Sao Thái Dương đã khiến người tiêu dùng vô cùng phẫn nộ. Lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán, "đục nước béo cò" là hành vi đáng lên án. Ngoài vấn đề "đạo đức kinh doanh" còn là lương tâm người thầy thuốc.
Trước đó, việc Bách Hóa Xanh bán hàng không đúng giá niêm yết, có nhiều biểu hiện chụp giật khi cả nước đang chống chọi với đại dịch đã bị người tiêu dùng cả nước lên án, tẩy chay. Đợt bùng phát dịch năm ngoái, nhiều tiệm thuốc nâng giá bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt rất nặng. Nhưng với mớ rau con cá, hay khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, người bình thường có thể định lượng được đắt hay rẻ, tốt hay xấu, ngon hay không… rồi đưa ra quyết định cuối cùng. Còn với những mặt hàng mà đa số người dân không có kiến thức, đều phải hỏi người bán, người cung cấp dịch vụ; đồng thời không bao giờ trả giá vì tính cấp bách của nó như thuốc chữa bệnh, hành vi trục lợi dựa trên sự sợ hãi của người dân lúc dịch bệnh khi ấy còn là tội ác!
Trên mạng xã hội đã xuất hiện làn sóng tẩy chay một số sản phẩm của Sao Thái Dương và cho rằng chuyện tăng giá sản phẩm, kinh doanh, trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của xã hội, trước sinh mạng của người khác là hành vi thiếu đạo đức và cần được lên án, xử lý nghiêm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dư luận còn vô cùng bức xúc, đặt dấu hỏi về năng lực, trách nhiệm của Cục Quản lý Y dược cổ truyền và cần xem xét điều tra hành vi bắt tay trục lợi, chứ không chỉ thu hồi văn bản đơn giản là "có nhiều nội dung chưa phù hợp", "là sơ suất trong quá trình soạn thảo" là xong!