Chị Mai Thị Hòa (Bà Đình, Hà Nội) có thói quen sử dụng son mỗi khi ra khỏi nhà. Mỗi ngày chị thoa son 3-5 lần, cứ mỗi khi ăn xong chị lại thoa một lớp son mới. Khi mua son chị cũng không quan tâm nhiêu đến thành phần son mà chủ yếu quan tâm đến màu sắc ưa thích. “Tôi nghĩ son nào cũng vậy, quan trọng là màu có hợp với khuôn mặt mình không thôi".
Sau một thời gian dài sử dụng, môi chị Hòa có hiện tượng bị khô, bong tróc, đau rát. Chị Hòa dùng nhiều biện pháp khắc phục: thoa mật ong, thoa nha đam… nhưng không thuyên giảm.
Sau khi được bác sĩ tại bệnh viện da liễu thăm khám, kê thuốc đồng thời ngừng sử dụng son, môi của chị Hòa đã dần bình phục trở lại. Bác sĩ tại bệnh viện da liễu cho biết chị Hòa bị kích ứng môi do dùng son hàng ngày.
Nguy cơ nhiễm chì do sử dụng son thường xuyên. |
Không được may mắn như chị Hòa, gần đây câu chuyện về đôi môi của nữ MC Đài Truyền hình Việt Nam đã nhanh chóng trở thành chủ đề được rất nhiều người quan tâm.
PGS, TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cô gái này là một nữ MC. Trong một lần ghi hình, ông được cô chia sẻ về các triệu chứng thường xuyên mất ngủ, táo bón, hay quên…
Bác sĩ khuyên nữ MC nên đi khám sau khi ông phát hiện viền lợi của cô chuyển màu đen xám và lấp lánh ánh kim loại. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô có lượng chì trong máu lên tới 32 mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.
Sau khi thăm hỏi,Tiến sĩ Phạm Duệ cho biết cô gái này không có bất cứ thói quen nào liên quan đến việc nhiễm chì ngoài việc cô thường sử dụng son màu đậm hàng ngày.
Tiến sĩ Duệ cho biết, với tình trạng của bệnh nhân, cô phải điều trị thải độc chì trong thời gian dài, chia thành nhiều đợt khác nhau vì lượng chì hiện rất cao, tồn đọng trong nhiều bộ phận cơ thể trong đó có xương.
Giới chuyên môn cho biết, trong thành phần của son có chứa thành phần kim loại trong đó có chì. Son càng lâu trôi thì lượng chì càng lớn. Kim loại sử dụng trong son môi với tỷ lệ rất nhỏ nhưng rất dễ hấp thụ vào cơ thể qua da môi hoặc qua đường ăn uống.
Các bác sĩ lưu ý, nếu trong son có lượng chì thấp nó sẽ đào thải ra ngoài, tuy nhiên nếu dùng quá nhiều thì tình trạng tích tụ vẫn có thể xảy ra. Chính vì vậy, khi mua son cần chú ý thành phần, hạn sử dụng của sản phẩm.
Muốn nhận biết son nhiều chì hay ít chì, chỉ cần thoa một ít son lên tay, dùng nhẫn vàng chà nhẹ lên lớp son. Nếu màu son trên tay chuyển màu xám đen chứng tỏ son có độ chì lớn, màu xám đen càng đậm thì lượng chì càng lớn.
Ngoài ra, một phương pháp khác để nhận biết son môi nhiễm chì là dùng son thoa đều lên môi, sau đó để lớp son bám trên thành cốc uống nước. Dùng khăn giấy lau lớp son đi, nếu lớp son khó trôi, bám chặt trên thành cốc thì son đó có thể chứa nhiều chì.