Là đơn vị làm điểm trong toàn tỉnh, Công an huyện Ý Yên đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 huyện xây dựng Kế hoạch triển khai mô hình “Nắm chắc, quản chặt, ngăn chặn vi phạm pháp luật trên không gian mạng”. Giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến thôn, xóm, tổ dân phố với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”.
Công an huyện với vai trò nòng cốt, cơ quan thường trực sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo 138 huyện triển khai nhiều biện pháp thực hiện, chú trọng nhất là biện pháp thành lập nhóm “Zalo an ninh” từ huyện đến thôn, xóm, tổ dân phố do lực lượng Công an quản lý và vận hành. Nhóm “Zalo an ninh” là kênh để lực lượng Công an phổ biến, cảnh báo những phương thức, những thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng, công nghệ cao xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình ANTT. Đây cũng là kênh để Nhân dân phản ánh, tố giác tội phạm một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Triển khai mô hình “Nắm chắc, quản chặt, ngăn chặn vi phạm pháp luật trên không gian mạng” gồm các nội dung: Nắm chắc là nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng môi trường mạng an toàn, văn minh.
Hiểu rõ và nhận diện các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, phạm tội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả, có kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Quản chặt là có quy trình về quản lý, sử dụng, bảo mật an toàn hệ thống dữ liệu của cơ quan tổ chức; quản lý việc đăng tải, cung cấp thông tin, dịch vụ trên các trang mạng;
Nhắc nhở, quản lý cán bộ, nhân viên, học sinh,... thuộc thẩm quyền chấp hành các quy định về sử dụng mạng an toàn. Qua đó phát hiện, ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu mất an ninh, an toàn mạng, nhất là các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Nam Định chỉ đạo: Lực lượng Công an cần quản lý và sử dụng hiệu quả nhóm “Zalo An ninh” nhằm tuyên truyền để Nhân dân hiểu, nhận diện được các phương thức và thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Vì lừa đảo qua mạng luôn có kịch bản mới, đa dạng về cách tiếp cận đói với các nạn nhân. Người dân ít xem tin tức, thông tin cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua mạng nên khi bị đối tượng lừa đảo nhắn tin, gọi điện và đe dọa, gửi văn bản giả mạo các cơ quan chức năng thực thi pháp luật khiến người dân hoang mang, lo sợ và sẽ bị lừa mất tài sản.