Buổi Tọa đàm do Câu lạc bộ Phóng viên kinh tế nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) đồng tổ chức, nhằm kiểm soát nguồn gốc an toàn với thực phẩm lưu thông trên thị trường, nhất là rau quả; thực phẩm trong các siêu thị mà lâu nay người tiêu dùng tin cậy hơn so với hàng bán ở chợ truyền thống.
Buổi tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm” do Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch và CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nêu vấn đề: “Chắc hẳn quý vị còn nhớ loạt bài báo gây chấn động dư luận về vấn đề rau sạch dỏm gắn mác VietGap biến hình vào siêu thị tháng 9 vừa rồi. Nó đặt ra rất nhiều trăn trở cho những người đang làm thực phẩm chân chính, cho những tổ chức, cơ quan ban ngành có trách nhiệm trong việc kiểm soát đầu vào của thực phẩm, và trên hết, nó một lần nữa cho thấy, chúng ta đang xây niềm tin của người tiêu dùng như cách của con dã tràng xe cát vậy, chưa kịp thành lâu đài thì những sự việc thiếu minh bạch như vừa rồi giống như con sóng cuốn phăng đi tất cả. Báo chí đóng vai trò quan trọng, nói lên tiếng nói của những doanh nghiệp (DN) làm minh bạch, đồng thời vạch trần những ai, DN làm không tốt.”
Lổ hổng trong quản lý
Bà Minh chỉ ra những lỗ hổng trong công tác kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thực phẩm. “Luật không bắt buộc rau tươi phải có nhãn mác. Đây là mấu chốt quan trọng, là điểm khó cho các chợ đầu mối, vì có muốn cũng không làm được”, bà Minh cho hay. Bà Minh đề nghị phải sửa quy định này cho đầy đủ; bắt buộc rau củ quả phải có nhãn mác, nguồn gốc…phải làm sao để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Làm sao sản phẩm đưa vào chợ mà không an toàn là bị gạt ra ngay từ đầu rồi.
Ban tổ chức và khách mời trong buổi tọa đàm
Cũng theo bà Minh, hiện nay các sản phẩm nông sản sạch, minh bạch đang chiếm tỉ trọng rất nhỏ trên thị trường. “Thực phẩm hữu cơ, thực phẩm minh bạch đang rất nhỏ bé, bên cạnh “núi” thực phẩm không rõ nguồn gốc. Do đó cạnh tranh không hiệu quả, các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch gần như thất thế trước thực phẩm không rõ nguồn gốc”, bà Minh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội quán các bà mẹ, đại diện người tiêu dùng chia sẻ, ngay cả trước khi báo chí đăng tải thông tin về rau chợ “hô biến” thành rau VietGAP đưa vào các hệ thống siêu thị, nhiều người nội trợ đã không có niềm tin vào chất lượng các sản phẩm được chứng nhận hay sản phẩm phân phối trong hệ thống siêu thị.
Nguyên nhân xuất phát từ việc tìm hiểu thực tế quy trình chứng nhận cho sản phẩm đạt các tiêu chuẩn phổ biến trên thị trường thường được cấp một lần và dùng mãi mãi nên không ai đảm bảo chất lượng thực sự sản phẩm đó dù có dán nhãn tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia.
“Bản thân tôi và nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả của những người quen mà mình biết phương pháp canh tác của họ an toàn, dù sản phẩm đó không hoặc chưa có chứng nhận. Điều mà người tiêu dùng quan tâm là chất lượng, sự an toàn thực sự của thực phẩm chứ không phải các chứng nhận dán trên bao bì. Vấn đề nằm ở chỗ không phải ai cũng có thể giám sát hay tận mắt quan sát phương pháp canh tác nên họ tạm gửi lòng tin vào các chứng nhận. Tuy nhiên, sau những thông tin rau chợ được dán nhãn VietGAP, nấm Trung Quốc dán nhãn Việt Nam,…thì người tiêu dùng thật sự không biết nên đặt niềm tin vào đâu.”, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý nêu thực tế.
Sản phẩm của các doanh nghiệp trưng bày tại hành lang của buổi tọa đàm
Ở góc độ người kinh doanh nông sản thực phẩm, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Organica chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu của bản thân trong việc tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và quyết tâm xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên bản thân đã quá quen với việc thường xuyên nhận được các câu hỏi sản phẩm có chứng nhận hữu cơ thật không? Cửa hàng có trộn lẫn sản phẩm không có chứng nhận không?
Theo bà Phạm Phương Thảo, những câu hỏi đó cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nông sản nhưng họ đang quá thiếu thông tin và có thừa sự nghi ngờ. Và đáng tiếc là những nghi ngờ của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở khi rất nhiều vụ việc gian dối về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm bị phanh phui.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc bộ phận Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức (chợ Nông Sản Thủ Đức) cho biết, là chợ chuyên về nông sản TP Hồ Chí Minh. Sau đợt dịch chợ Nông Sản Thủ Đức cung cấp mỗi ngày 2.300 tấn, củ quả 1.300 tấn, trong đó 50% lượng quả từ Lâm Đồng gửi về. Với lượng lớn như vậy mà vấn đề truy xuất không hề đơn giản, chính vì vậy mà các cơ quan, ban ngành cần phải hỗ trợ.
Theo ông Phương, khi nhập hàng phải đăng ký nguồn hàng, mã hàng, số điện thoại người cung cấp, tất cả ghi vào khi có cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, cung cấp thông tin để cung cấp ngược lại.
Cũng theo ông Phương, chủ hàng khi nhập hàng vào chợ đầu mối đều phải đăng ký với công ty về nguồn hàng, mã hàng, vùng hàng, cung cấp vào ô vựa nào, số lượng bao nhiêu, tên người nhập… để làm bằng chứng có vấn đề truy xuất nguồn gốc, để truy xuất ngược lại vùng trồng. “Tuy nhiên trên bao bì hàng Việt Nam không có tên, việc này chỉ gây khó khăn cho những người mới đến chợ mua lần đầu, còn lại đa phần thương nhân đều đã làm việc từ lâu nên họ đều biết rõ nguồn hàng này từ đâu, của ai”, ông Phương nói.
“Việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ luôn được Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh phối hợp Ban quản lý chợ lấy mẫu ngẫu nhiên, tuy nhiên đối với các sản phẩm có nghi ngờ về việc mất ATTP vệ sinh thực phẩm, có sử dụng hoá chất ngâm tẩm thì sẽ được lấy mẫu nhiều hơn. Tuy nhiên hiện nay Ban quản lý ATTP chủ yếu dùng test sâu, từ 3-5 ngày mới có kết quả, khi ấy rau đã đến tay người tiêu dùng mất rồi, khi ấy lại quay ngược lại truy vùng nguyên liệu. Vì vậy, cần phải kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay tại vùng trồng là quan trọng”, ông Phương nhấn mạnh.
Các sản phẩm rau, củ, quả cần phải được kiểm soát ngay từ vùng nguyên liệu
Ông Lý Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng cho rằng, việc test trong phòng thí nghiệm rất mất thời gian từ 3-5 ngày, còn test nhanh thì chỉ phát hiện ra dư lượng ở hàm lượng cao, còn dư lượng thấp thì test nhanh không phát hiện được, trong khi đó giá test đắt chứ không rẻ. “Chúng ta không thể nào kiểm soát được sản phẩm cuối cùng đối với rau, củ mà bắt buộc phải kiểm soát bằng quá trình sản xuất, tiêu chuẩn, vùng nguyên liệu”, ông Hải chia sẻ.
90% nấm ở chợ đầu mối nhập từ Trung Quốc
Bà Minh cho biết, trong lần đi khảo sát tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức gần đây, có một nghịch lý là rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc về chợ đầu mối đều có nhãn mác ghi xuất xứ hàng hóa, tên người nhập, số điện thoại để liên hệ… Trong khi đó, rau củ quả của Việt Nam thì lại hoàn toàn là bao bì trắng, không có nhãn mác. Vậy làm sao để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc khi có vấn đề về chất lượng?
“Tôi được các thương nhân tại chợ đầu mối cho biết, 90% nấm là nhập khẩu từ Trung Quốc, kể cả cải thảo, tỏi. Mình không nói Trung Quốc là xấu, Trung Quốc họ cũng kiểm soát rất tốt”, bà Minh cho hay.
Bà Võ Thị Bích Thủy, Phó giám đốc Phòng Quản lý chất lượng, Hệ thống siêu thị Co.op Mart Việt Nam cho biết, hiện nay người tiêu dùng chưa hiểu rõ việc kiểm soát chất lượng hàng hoá của các kênh phân phối để có đủ niềm tin vào hệ thống. Trong 30 năm kinh nghiệm bán lẻ, Saigon Co.op luôn đặt việc kiểm soát chất lượng hàng hoá lên hàng đầu và là việc làm thường xuyên và xuyên suốt.
“Hàng hoá được Saigon Co.op mua tập kết tại kho phân phối ở Bình Dương, tại đây có phòng thí nghiệm để kiểm tra hàng hoá trước khi phân phối đi các cửa hàng. Ngoài ra, tại mỗi cửa hàng đều có bộ phận chuyên môn để kiểm soát chất lượng sản phẩm bằng những test nhanh. Không những thế, chúng tôi thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để gửi sang một bên thứ ba để họ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Saigon Co.op cũng trang bị xe kiểm soát lưu động giống như một phòng thí nghiệm thu nhỏ, để kiểm soát ngay tại vùng trồng của đối tác (nhà cung cấp), nếu có vấn đề gì thì cảnh báo ngay với họ. Saigon Co.op cam kết kinh doanh một cách minh bạch, và không ngừng quản lý chất lượng hàng hoá đem đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất”, bà Thuỷ khẳng định.
Ông Phan Anh Tuấn - Trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường, chợ đầu mối nông sản chợ Hóc Môn chia sẻ tại buổi tọa đàm
Ông Phan Anh Tuấn - Trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho rằng, hàng đến từ rất nhiều nguồn; thương nhân ghi sổ nguồn gốc xuất xứ; chợ kết hợp thương nhân, tự bỏ tiền lấy mẫu có nguy cơ cao để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… bảo đảm cho nguồn hàng ra, đảm bảo uy tín cho chợ.
Ông Tuấn thừa nhận: “Súp lơ, cải thảo là hàng Trung Quốc, đúng. Ví dụ cà rốt có nhiều loại, đúng của Đà Lạt rất thơm nhưng mỗi ngày chỉ về chợ vài trăm ký, nên chợ sẽ nhập thêm cà rốt ở Hải Dương, Trung Quốc. Nấm cũng có nhiều loại, nấm rơm trồng tại Đồng Tháp, Tây Ninh; còn nấm kim châm, nấm đùi gà mình không sản xuất được thì nhập khẩu. Có ghi rõ ràng ‘made in Trung Quốc, Hàn Quốc’. Nhập từ đâu, hàng hóa có kiểm nghiệm đầy đủ. Nhưng khi về chợ lẻ, không thể biết được, chỉ kiểm soát được ở chợ đầu mối. Nên mới có chuyện nho Mỹ nhưng thực sự nguồn gốc Trung Quốc, nho có mác mẫu đơn Hàn Quốc xe lôi bán đầy ngoài đường, trong khi nho đó giá thật hàng thật cả triệu đồng/kg".
Ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó TGĐ khối Kinh Doanh Quốc tế, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, phương châm của GC là thực phẩm an toàn, cuộc sống hạnh phúc. Với tư cách là một nhà sản xuất, GC kiểm soát quá trình từ 5 năm về trước khi bắt đầu tham gia vào việc trồng trọt. “Cách đây 2 năm, GC đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, dữ liệu hoá các thông tin trồng trọt của mình trên dữ liệu big data từ lúc gieo trồng đến thu hoạch, để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc bằng mã QRCode. Đây cũng là một cách để GC minh bạch với người tiêu dùng”, ông Pháp cho hay.
Bà Lâm Thúy Ái, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH SX-TM Mebipha cho rằng, trước những lỗ hổng trong kiểm soát đầu vào gây khó cho kiểm soát sản phẩm cuối cùng thì giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường kiểm soát từ khâu sản xuất bằng những quy chuẩn, quy trình canh tác.
“Thường là người nông dân, họ sản xuất ra là họ phải bán qua hai kênh trung gian nữa thì các sản phẩm mới tới được siêu thị mới tới được kênh bán lẻ từ kênh bán lẻ đó mới tới người tiêu dùng. Đó là một trăn trở của những người nông dân và trong rau cũng vậy. Nếu như chúng ta có một sự cam kết lẫn với nhau, đảm bảo cho người nông dân họ sản xuất có được kênh tiêu thụ để đảm bảo cho người nông dân sống được với nghề họ sản xuất được thực phẩm sạch cho mình”, bà Ái chia sẻ.