Tăng nhanh, giảm vội
Nông dân vừa “kịp cười” khi giá cá tra tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg, đạt ngưỡng 22.500 đồng/kg trong những ngày ngày đầu tháng 5/2016. Với mức giá này họ có thể đạt mức lợi nhuận 500 - 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên “nụ cười của nông dân đã vội tắt” khi giữa tháng 5/2016, giá cá tra tụt giảm về mức 21.500 đồng/kg.
Người dân có được niềm vui sau một năm cá tra "ảm đạm". |
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến tháng 5/2016, toàn vùng ĐBSCL thu hoạch 989ha cá tra với sản lượng 314.140 tấn. So với cùng thời điểm năm 2015, diện tích, sản lượng lần lượt giảm 22% và 13%. Đây là nguyên nhân khiến giá cá tra tăng từ 19.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg như hiện nay.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, giá cá tăng là do xuất khẩu khởi sắc. Đến đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta đạt hơn 435 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 22% giá trị xuất khẩu dù Luật Nông trại đã có hiệu lực.
Nông dân nuôi cá “co thủ”!
Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tại ĐBSCL các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã chủ động tạo vùng nuôi chiếm đến 80% nguồn cá nguyên liệu, phần nuôi của nông dân chỉ còn cung cấp 20% nguyên liệu còn lại.
Cũng theo anh Hai Trường, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang (3 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất - dọc theo triền sông Hậu và sông Tiền), còn bám trụ nghề nuôi cá tra hiện nay là dân “thiện chiến”! Họ là những người giỏi tay nghề và nuôi cá rất bài bản. “Nghề nuôi cá tra giờ gần như bão hòa. Người nuôi mới rất ít. Chỉ còn những người đã trót 'phóng lao phải theo lao'. Người nuôi cá hy vọng, giá cá tra tiếp tục tăng để có cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ lâu nay. Vì nếu nghỉ nuôi, ngân hàng sẽ siết nợ, khổ trăm bề”, anh Trường chia sẻ.
Doanh nghiệp thu mua cá tra ở ven sông Hậu. |
“Tỷ lệ nuôi cá nguyên liệu hiện nay đã hình thành. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến đã tự lập vùng nuôi để cung cấp 80% nguyên liệu, phần còn lại do người dân cung cấp. Người nuôi cá hiện nay cũng đã ý thức được mức độ rủi ro nên liên kết khá chặt với các nhà máy để bán cá” – ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) nhận định. Theo ông Lê Chí Bình, với tình hình hiện nay nông dân nuôi cá rất khó tái đầu tư mở rộng vùng nuôi. Chủ yếu họ sản xuất cầm cự để chờ thời cơ.
Sau một thời gian treo ao do giá cá tra trượt dài, nông dân ĐBSCL bắt đầu thả nuôi lại cá tra. Song, nhiều nông hộ vẫn lo lắng giá cả bất thường nên chọn phương án ít rủi ro. “Dù giá cá đang ở ngưỡng tạm chấp nhận được. Nhưng tôi vẫn quyết định nuôi gia công cho doanh nghiệp để tránh rủi ro do giá cá tăng giảm rất khó lường” – anh Nguyễn Văn Hùng, một người nuôi cá ở Đồng Tháp cho biết.
Tránh rơi vào “bẫy thiếu nguyên liệu”!
Nghề nuôi cá tra, cá basa vốn là nghề truyền thống hàng chục năm qua của những cư dân dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Trong khoảng 20 năm qua, mặt hàng ca tra được “phi lê” xuất khẩu sang hàng chục nước trên thế giới. Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu cá tra. Các vụ kiện tụng bán phá giá liên tục diễn ra. Nông dân rồi doanh nghiệp liên tục đối diện khó khăn. Có lúc nghề nuôi này phát triển nóng, tồn đọng hàng trăm ngàn tấn, Chính phủ phải can thiệp để “giải cứu cá tra quá lứa”!
Theo Hiệp Hội Cá tra Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2019, ngành sẽ tập trung thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá. Trọng tâm là tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường để hoạt động cải thiện ngành hàng mang tính bền vững. Phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua việc cải thiện hệ thống sản xuất và chất lượng sản phẩm hình ảnh cá tra Việt Nam đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước!
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc người nuôi và doanh nghiệp phải tuân thủ “luật chơi”, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nghề nuôi cá tra, để đáp ứng yêu cầu các thị trường! Áp lực từ các rào cản thương mại được đặt ra và gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu như thuế chống bán phá giá và Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ càng gia tăng. Đây là vấn đề tác động lớn đến vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Nông dân đang thiếu vốn để sản xuất, trong đó vốn để mua thức ăn là rất lớn. |
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết: “Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama khoảng 40 phút gần đây, tôi đã dành gần 10 phút để nói chuyện về Luật Nông trại”! Đây là vấn đề mà chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiêm túc xem xét thương thuyết để có những biện pháp “phản vệ” cần thiết để từng bước ổn định vùng nuôi cá tra ĐBSCL!
Hiện tại giá nguyên liệu cá tra ở mức thấp, nông dân “đã treo ao”, khó tái sản xuất, không loại trừ nguy cơ thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngành cá tra An Giang, nông dân cần thận trọng với thông tin dự báo từ doanh nghiệp đưa ra: về khả năng thiếu nguyên liệu. Nếu mở rộng và nuôi mới cá tra, người nuôi phải liên kết gắn với địa chỉ doanh nghiệp cụ thể (có hợp đồng mua cá) để tránh rủi ro!
Những người nông dân cần cù, vốn ít đã tạo nên vùng nuôi cá tra. Giờ mở rộng qui mô, những nguyên tắc, qui định nông dân nuôi theo qui chuẩn, nông dân “bị loại dần” khỏi vùng nuôi. Mà điển hình là doanh nghiệp đang chiếm tỷ lệ 80% vùng nguyên liệu!? Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn hộ đeo đuổi nghề nuôi cá tra truyền thống. Việc ổn định vùng nuôi, giữ mặt bằng giá có lợi nông dân là rất cần thiết!