Trong đó, nổi lên là thủ đoạn giả danh cơ quan Công an yêu cầu cài đặt ứng dụng dịch vụ công hoặc giả danh nhân viên điện lực yêu cầu cài đặt phần mềm điện lực EVN. Sau khi cài các phần mềm có mã độc, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, rồi truy cập vào các tài khoản ngân hàng, chuyển hết tiền của bị hại.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trong giai đoạn Chính phủ đang hoàn thiện các chính sách, quy định mới theo định hướng chuyển đổi số như hiện nay, tội phạm sẽ lợi dụng việc này để “cải biên” nội dung kịch bản tiếp cận người dân qua việc “hỗ trợ tiện ích trực tuyến” như: đăng ký thường trú, tạm trú, cấp hộ chiếu, cấp căn cước, thanh toán các dịch vụ công… Đi cùng các phần mềm này rất có thể sẽ là các “mã độc”.
Để kịp thời ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân (như số căn cước, hộ chiếu, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP,…) cho bất kỳ ai. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Chỉ cài những phần mềm đã được cơ quan chức năng đã công bố trên website chính thức của đơn vị. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.