Thời gian gần đây, dâu tây Đà Lạt phải chịu nhiều sự cạnh tranh với dâu tây từ Trung Quốc nhập vào theo đường tiểu ngạch. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về cách nhận biết dâu tây Đà Lạt với các dòng dâu khác bằng mắt thường. Người tiêu dùng có thể nhìn vào hình dáng, màu sắc để nhận biết dâu tây Đà Lạt với giống dâu tây Trung Quốc.
Cụ thể, dâu tây Đà Lạt có hình dáng quả không đồng đều, kích thước quả vừa phải, không quá to, quả mềm, không nhẵn mịn. Trong khi đó dâu Trung Quốc, có độ đồng đều cao, quả to, quả có độ cứng, mịn.
Hình ảnh phân biệt các loại dâu tây.
Về màu sắc, dâu tây Đà Lạt có màu đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng. Dâu tây Trung Quốc lại cho màu đỏ sậm từ đầu đến cuống, trông rất đẹp mắt.
Dâu Tây Đà Lạt có hình dáng quả không đồng đều, kích thước vừa phải, quả mềm, không nhẵn mịn. Còn dâu Tây Trung Quốc có quả to, cứng, mịn, sự đồng đều giữa các quả cao.
Khi ăn, dâu tây Đà Lạt có mùi thơm đặc trưng và chua thanh, còn dâu tây Trung Quốc bở và không có mùi thơm.
Khi bổ ra, có thể thấy bên trong dâu tây Đà Lạt có màu đỏ nhạt xen màu trắng, còn dâu Tây Trung Quốc có màu đỏ đậm và không có màu trắng.
Hình ảnh khi bổ đôi các quả dâu tây.
Nhiều người còn nêu cách nhận biết là dâu tây Trung Quốc có thể để từ 7 đến 10 ngày trong môi trường nhiệt độ 25-32 độ C mà không hề bị héo hay thối quả, trong khi dâu Đà Lạt chỉ để tối đa 2 ngày.
Quả dâu tây được người Pháp đưa tới Đà Lạt trồng vào thập niên 40 của thế kỷ 20. Thổ nhưỡng ở đây cho chất lượng và vị của quả dâu rất đặc biệt.
Đặc tính sinh trưởng của dâu tây thích hợp với khí hậu ôn đới. Trái dâu tây có màu đỏ, quả mềm, vị ngọt chua thanh, mùi thơm đặc trưng nên rất được nhiều người ưa thích.