Ngày 1/7/2021 đánh dấu thời điểm bang New South Wales của Úc chính thức dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng cây trồng BĐG. Điều này có ý nghĩa rằng nông dân của mọi tiểu bang trên lục địa nước Úc đều có thể tiếp cận với công nghệ này. Đồng thời cũng theo thông tin từ Uỷ ban An toàn Sinh học Kỹ thuật Quốc gia Brazil (CTNBio), kể từ ngày 1/7, Chính phủ Brazil sẽ chính thức cấp phép nhập khẩu ngô BĐG từ Hoa Kỳ. Thông báo cũng nhấn mạnh mong muốn nhập khẩu ngô xuất phát từ sự giảm sút mạnh của nguồn cung ngũ cốc trong nước.
Chính sách và phê duyệt mới về cây trồng BĐG
Ngày 1/7/2021 là thời điểm lệnh hạn chế cây trồng BĐG tại bang New South Wales của Úc chính thức bị dỡ bỏ - điều này có nghĩa là toàn bộ tiểu bang tại khu vực lục địa nước Úc từ ngày hôm nay đều có thể tiếp cận và sử dụng các giống cây BĐG đã được phê duyệt. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với nông dân tại Úc khi họ có thể tận dụng đầy đủ các công nghệ cạnh tranh trên thế giới, tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong nước, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như đảm bảo tính bền vững của ngành nông nghiệp nước này.
Cây cải dầu BĐG ở Wagga Wagga, Úc (Nguồn: Theland.com.au)
Những khủng khoảng gần đây cùng với các tác động của đại dịch Covid-19 đã không chỉ cho thấy giá trị của những tiến bộ khoa học – đặc biệt những ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và sản xuất vắcxin, mà còn chỉ ra tầm quan trọng của việc thực thi khung pháp lý phù hợp, đầy đủ và khoa học để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ đó. Tầm quan trọng của an ninh lương thực được nhấn mạnh bởi đại dịch là một ví dụ điển hình về nhu cầu liên tục nghiên cứu và phát triển các cải tiến nông nghiệp thông qua công nghệ biến đổi gen hay sắp tới là chỉnh sửa gen.
Ông Matthew Cossey – Giám đốc Điều hành tổ chức CropLife Australia cho biết: “Sự kiện ngày hôm nay là một bước tiến quan trọng trong quá trình ứng dụng các cải tiến khoa học vì một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững của nước Úc. Các tiểu bang cũng như nông dân trên cả nước có thể tự quyết định và lựa chọn sử dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu canh tác và mong muốn của họ, trong đó có các sản phẩm cây trồng BĐG đã được chấp luận bởi Cơ quan Công nghệ Gen Liên Bang (Federal Gene Technology Regulators - FGTR). Việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp nông dân thích ứng tốt hơn với điều kiện khủng hoảng trong giai đoạn dịch bệnh toàn cầu cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện nay.”
Bên cạnh đó, vào ngày 17 tháng 6 vừa qua, Uỷ Ban Kỹ thuật An toàn Sinh học Quốc gia Brazil (CTNBio) đã công bố việc cho phép nhập khẩu và thương mại hoá các sản phẩm ngô BĐG – hoạt động này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Nghị Quyết đã được đón nhận và ủng hộ đặc biệt bởi các đơn vị hoạt động trong ngành chăn nuôi bởi hiện tại giá ngô đang bị đẩy lên cao do nguồn sản xuất trong nước đang giảm sút.
Các giống ngô BĐG được trồng ở Hoa Kỳ chưa được phép bán, nhập khẩu và tiêu thụ tại Brazil trước đây, tới nay đã được CTNBio ủng hộ và phê duyệt. Văn phòng đại diện của CTNBio xác nhận rằng các đánh giá kỹ thuật về vấn đề này đã được công bố trên tạp chí Diário Onking da União vào tuần trước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung cấp Thực phẩm của Brazil, bà Tereza Cristina cho biết: “Thông tin chính thức về việc nhập khẩu ngô của Mỹ sẽ sớm được thông báo. Việc công bố Nghị quyết Quy phạm mới về vấn đề tiến hành thương mại hóa các sản phẩm BĐG là bước cuối cùng cần được thực hiện nhằm hướng tới việc thương mại quốc tế.”
Ông Othon Abrahão, Giám đốc Công nghệ Sinh học của tổ chức CropLife Brazil cho biết: “Brazil không phải là quốc gia có lượng nhập khẩu ngô lớn, tuy nhiên do giá trị cao, Nghị Quyết này đã giúp tăng nguồn cung nguyên liệu đáp ứng nhu cầu trong nước, giúp giảm giá thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất, từ đó giúp giá thịt lợn và thịt gia cầm rẻ hơn.”
Quyết định của CTNBio cũng đáp ứng yêu cầu của Hiệp hội Protein động vật Brazil (ABPA) vào tháng 5 về các biện pháp giúp giảm chi phí sản xuất cho người chăn nuôi gia cầm và lợn. Chỉ tính trong tháng 5 vừa rồi, giá ngô và khô đậu tương, hai loại thức ăn chính cho gia cầm và lợn, đã tăng giá tương ứng 100% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí cho hai loại này chiếm tới 70% chi tiêu của ngành. Trong số các biện pháp được nêu ra bởi ABPA có yêu cầu cấp phép nhập khẩu các loại ngô BĐG trước đó chưa được CTNBio phê duyệt. Theo chủ tịch của ABPA, Ricardo Santin, các sản phẩm này rẻ hơn những loại mà Brazil đã mua.
Việc nhập khẩu ngô BĐG từ Hoa Kỳ sẽ giúp tăng nguồn cung ngũ cốc trong nước từ đó khiến thức ăn chăn nuôi rẻ hơn, giảm chi phí sản xuất để thịt lợn và thịt gia cầm có giá cả phải chăng hơn.
Brazil là nước sản xuất ngô lớn thứ 3, sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng hạn hán đã gây thiệt hại cho vụ thu hoạch quốc gia. Với lượng mưa thấp trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay, vụ ngô này của Brazil sẽ ít hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, ngành công nghiệp sản xuất thịt đã yêu cầu phê duyệt hai loại ngô biến đổi gen của Mỹ và được CTNBio đánh giá là an toàn. Ở Brazil, 96% sản lượng ngô được sản xuất là từ các giống BĐG, và một phần trong số đó được đưa đi tiêu thụ. Nhưng mỗi loại khi lên các kệ siêu thị đều cần được CNTBio cấp phép.
Ông Paulo Barroso, Chủ tịch của CTNBio, phát biểu trong cuộc họp báo vào chiều ngày 17/6 vừa rồi rằng hai loại ngô được đánh giá là an toàn và sự chấp thuận của chúng đã được yêu cầu bởi các tổ chức trong ngành công nghiệp thịt vốn đang bị thiếu hụt ngô để sử dụng trong thức ăn chăn nuôi do hạn hán ở Brazil.
Áp dụng ngô BĐG tại Philippines
Tại phía bên kia bán cầu, một nghiên cứu gần đây có tên “Đánh giá tác động kinh tế của việc sử dụng ngô biến đổi gen ở Philippines” được xuất bản trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp đã ghi nhận sự gia tăng thu nhập của khoảng 460.000 nông hộ tại Philippines kể từ khi áp dụng trồng ngô BĐG.
Nghiên cứu đã xem xét đánh giá tác động về mặt kinh tế của việc trồng ngô BĐG tại Philippines trong suốt 17 năm qua trên toàn quốc và cho thấy tổng năng suất tăng trưởng của quốc gia này ước tính cao hơn 11.45% nhờ vào việc áp dụng các giống ngô BĐG, diện tích trồng ngô BĐG tại đây đạt khoảng 835.000 héc ta kể từ lần đầu được phê duyệt vào năm 2002. Từ chỗ năng suất trung bình của cả quốc gia chỉ đạt 3 tấn mỗi héc ta, nhờ vào việc sử dụng ngô BĐG con số này đã được tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba.
Ngô BĐG đã tạo nên những thay đổi tích cực về năng suất và thu nhập cho khoảng 460.000 nông hộ tại Philippines (Nguồn: Alliance for Science)
Tính đến tháng 10 năm 2020, Phòng Công nghiệp Thực vật của Bộ Nông nghiệp Philippines đã phê duyệt 42 sự kiện ngô BĐG, 30 trong số đó để sử dụng trực tiếp làm thực phẩm, chế biến hay thức ăn chăn nuôi, trong khi 12 sự kiện dùng để trồng thương mại. Các giống ngô mang đặc tính kháng sâu đều được giới thiệu cho nông dân sau khi được chính phủ nước này đánh giá kỹ lưỡng và phê duyệt bằng cách sử dụng các hướng dẫn quy định hiện hành về an toàn sinh học.
Ông Edilberto de Luna, Giám đốc điều hành CropLife Philippines cho biết “Thông qua các quy định về an toàn sinh học được chính phủ ban hành nhằm đánh giá mức độ an toàn và lợi ích của các tính trạng của ngô BĐG đối với sức khỏe con người và động vật cũng như môi trường, cả nông dân và người tiêu dùng đều đạt được lợi ích từ những đổi mới này vì mục tiêu an ninh lương thực và khả năng phục hồi của quốc gia”.