Ngày 13/12, tại Bến Tre, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu như Trung Quốc. Đồng thời hướng tới tăng cường hợp tác, minh bạch thông tin và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa).
Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD. Đây là một kỷ lục.
Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) (175.000ha) và Duyên hải Nam Trung bộ. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ NN&PTNT rất quan tâm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ tại diễn đàn và lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Nam, dừa tươi xuất khẩu gồm dừa có vỏ xanh và dừa đã gọt vỏ, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER.
Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.
“Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định, không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Thay vào đó, phía bạn cập nhật quy định 2 năm một lần và liên tục bổ sung các MRL mới. Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với ngành dừa.” Ông Nam cho biết thêm.
TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật Sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật, trình bày tham luận tại diễn đàn.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật Sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật đã nêu một số hướng dẫn xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Theo bà, để đáp ứng quy định về vùng trồng và cơ sở đóng gói, cần tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản đó là: Bảo đảm việc tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu; Việc đăng ký mã số thực hiện trên cơ sở tự nguyện; Việc kiểm tra và đánh giá là căn cứ để cấp, duy trì hoặc phục hồi mã số; cuối cùng là mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu và giám sát bởi cơ quan quản lý. Việc triển khai cấp mã số thực hiện theo Công văn 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023.
Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc quy định, dừa phải có vỏ xanh và cuống ngắn ≤ 5cm, không lẫn đất và tàn dư thực vật. Sản phẩm xuất khẩu cần tuân thủ các luật, quy định về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, và các yêu cầu của nghị định thư. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải đăng ký với Cục Bảo vệ Thực vật (PPD) và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số, được công khai trên website của GACC.
Bên cạnh đó, quản lý vùng trồng yêu cầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), và giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) theo tiêu chuẩn ISPM 6. Hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại phải được lưu trữ đầy đủ.
Quá trình đóng gói và sơ chế phải bảo đảm hệ thống truy xuất nguồn gốc, các cơ sở có nền cứng và vệ sinh sạch sẽ, cùng khu chế biến và bảo quản riêng biệt. Dừa phải được phân loại, làm sạch, loại bỏ lá và mảnh vụn thực vật. Vật liệu đóng gói tuân thủ tiêu chuẩn ISPM 15 và container phải được làm sạch trước khi sử dụng.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, cho biết, tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh.
Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.
Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Chế biến, đóng gói dừa xuất khẩu.
Theo ông Đức, để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Bởi lẽ, khi chuỗi liên kết lớn mạnh mới huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN&PTNT ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000 ha; vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 170.000 - 175.000 ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16.000 - 20.000 ha, còn lại 9.000 - 15.000 ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ...
Khách tham quan các sản phẩm dừa trưng bày tại diễn đàn
Kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương; vùng ĐBSCL tại các tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng...), vùng Duyên Hải Nam Trung bộ tại các tỉnh (Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa)…
Những bước tiến tích cực như việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.
Riêng với thị trường Trung Quốc, Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.
Nhận định về cơ hội và thách thức tại thị trường này, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của nước ta đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.
Các sản phẩm chế biến từ dừa trưng bày tại diễn đàn
Về thuận lợi, Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí vận chuyển so với các đối thủ từ Đông Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về giảm thuế và đẩy mạnh giao thương. Việt Nam là quốc gia có sản lượng dừa lớn, đặc biệt từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây, đảm bảo khả năng cung cấp ổn định cho thị trường.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Vina T&T Group cũng cho rằng, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý. Các đơn vị Trung Quốc thuê các xưởng nhỏ đóng gói xuất khẩu, các xưởng đó không đảm bảo an toàn thực phẩm và không có mã cơ sở đóng gói vẫn làm hàng xuất đi Trung Quốc và các thị trường khác, ảnh hưởng đến các công ty đầu tư bài bản và đầy đủ các giấy tờ thủ tục cho xuất khẩu.
Ngoài ra, các thay đổi về chính sách nhập khẩu; chi phí vận chuyển, bảo quản và xử lý hậu cần vẫn là một thách thức, đặc biệt với dừa tươi yêu cầu bảo quản kỹ càng; đặc biệt sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc dễ dẫn đến rủi ro nếu thị trường này thay đổi đột ngột. Do đó, việc tối ưu hóa chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.